Bế mạc ASEAN Para Games 9: Tôn vinh những người khuyết tật

Sau một tuần thi đấu sôi nổi, ASEAN Para Games lần thứ 9 đã kết thúc với lễ bế mạc được tổ chức tại Sân vận động Quốc gia Bukit Jalil ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.
Lễ bế mạc diễn ra trong tiếng nhạc sôi động và những màn trình diễn ánh sáng đẹp mắt. (Ảnh: Hoàng Nhương/TTXVN)

Tối 23/9, sau một tuần thi đấu sôi nổi, Đại hội thể thao Đông Nam Á dành cho người khuyết tật (ASEAN Para Games) lần thứ 9 đã kết thúc với lễ bế mạc được tổ chức tại Sân vận động Quốc gia Bukit Jalil ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.

Sau phần diễu hành của các đoàn, các nghệ sỹ nước chủ nhà đã trình diễn một số tiết mục văn nghệ chào mừng trong tiếng nhạc sôi động kéo dài suốt buổi lễ. Khán giả một lần nữa được chứng kiến các màn trình diễn ánh sáng và pháo hoa đẹp mắt.

Ca sỹ nổi tiếng Malaysia Yuna cũng góp phần với một loạt ca khúc làm cho không khí càng thêm phần sôi động.

Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Osoth Bhavilai, Chủ tịch Liên đoàn Thể thao Người khuyết tật ASEAN (APSF) đã gửi lời cảm ơn đến Chính phủ và Ban tổ chức nước chủ nhà, cảm ơn các tình nguyện viên cùng người hâm mộ Malaysia, những người đã đồng hành và góp phần quan trọng làm nên thành công của Đại hội.

Ông Osoth nhấn mạnh trong những ngày thi đấu vừa qua, hơn 1.300 vận động viên khuyết tật đến từ các nước khu vực đã thể hiện sự dũng cảm, ý chí, nghị lực vượt khó và tinh thần thể thao cao thượng. Chính họ đã tạo nên những khoảnh khắc tuyệt vời trong những ngày qua. Họ xứng đáng nhận được sự tôn vinh.

Người đứng đầu APSF cũng chúc mừng đoàn Indonesia đã giành vị trí thứ nhất tại Para Games lần này với 251 huy chương các loại, trong đó có 126 Huy chương Vàng. Đứng ở vị trí thứ 2 là chủ nhà Malaysia với 90 Huy chương Vàng.

Lễ trao cờ cho Philippines, chủ nhà của SEA Games 30 và ASEAN Para Games 10. (Ảnh: Hoàng Nhương/TTXVN)

Tại Đại hội lần này, đoàn Việt Nam cử đi 142 vận động viên, tranh tài ở 158 nội dung thuộc tám trong tổng số 16 môn thi đấu, bao gồm bơi lội, điền kinh, cử tạ, cờ vua, cầu lông, boccia, bóng đá khiếm thị và bóng bàn.

So với các nước như chủ nhà Malaysia, Thái Lan hay Indonesia, số lượng vận động viên đoàn Việt Nam đứng ở mức khiêm tốn.

So với kỳ đại hội lần thứ 8 được tổ chức tại Singapore năm 2015, số Huy chương Vàng mà đoàn thể thao Việt Nam giành được lần này ít hơn 8 chiếc (40 Huy chương Vàng), trong khi số Huy chương Bạc và Huy chương Đồng đều nhỉnh hơn (61 và 60 so với 58 và 50).

Các vận động viên của Việt Nam cũng đã phá 10 kỷ lục Para Games. Trong số đó, vận động viên Võ Thanh Tùng phá ba kỷ lục ở môn bơi, Trịnh Thị Bích Như phá hai kỷ lục cùng ở môn này.

Các vận động viên phá một kỷ lục Para Games gồm Lê Văn Công, Nguyễn Bình An, Đặng Thị Linh Phượng, Châu Hoàng Tuyết Loan (cùng môn cử tạ), Vi Thị Hằng (bơi) và Lê Văn Mạnh (điền kinh).

Với thành tích trên, Việt Nam xếp thứ 4 toàn đoàn, đứng sau Thái Lan, đoàn giành được 68 Huy chương Vàng.

Cũng tại lễ bế mạc đã diễn ra lễ trao cờ cho Philippines, chủ nhà của SEA Games lần thứ 30 và ASEAN Para Games lần thứ 10./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục