Trầm cảm sau sinh là một bệnh về tâm lý tâm thần nhiều mẹ mắc phải sau khi sinh con. Đây là chứng bệnh phổ biến, nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều hệ lụy, có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực đối với bản thân người bệnh và người xung quanh.
1. Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh là vấn đề sức khỏe tâm lý rất nghiêm trọng nhưng hiện nay không nhiều người thực sự quan tâm và hiểu hết về căn bệnh.
Không ít người xem nhẹ chứng trầm cảm sau sinh, chỉ đến khi người nhà hoặc bản thân trải qua mới biết hậu quả nặng nề mà căn bệnh này gây ra. Nguyên nhân gây bệnh này rất phức tạp nhưng do một số nguyên nhân phổ biến sau.
Thay đổi nội tiết tố: Nồng độ estrogen và progesterone bị suy giảm đột ngột sau sinh cùng với hormon tuyến giáp cũng giảm nhanh chóng gây nên tình trạng trầm cảm.
Tiền sử trầm cảm: Phụ nữ có tiền sử trầm cảm trước hoặc trong khi mang thai có nguy cơ cao mắc trầm cảm sau sinh.
Thể trạng sức khỏe suy giảm: Thay đổi thể tích máu, rối loạn hệ miễn dịch, bị các cơn đau nhức toàn thân kéo dài, mất ngủ kéo dài, vóc dáng và da dẻ thay đổi khi mang thai là nguyên nhân khiến người phụ nữ dễ nảy sinh bực bội, căng thẳng.
Thiếu ngủ, mất ngủ: Mất ngủ hoặc thiếu ngủ có mối liên hệ chặt chẽ với căn bệnh trầm cảm, giấc ngủ ở phụ nữ sau sinh thường không được đảm bảo. Nhất ở giai đoạn sau sinh, người mẹ thường phải thức đêm, chỉ có những giấc ngủ ngắn theo lịch sinh hoạt của đứa trẻ. Chưa kể phải lo lắng khi trẻ ốm sốt, khó chịu và thức trông trẻ cả ngày nên người mẹ thường bị mất ngủ kéo dài.
Di truyền: Trầm cảm sau sinh có liên quan đến yếu tố di truyền, nghĩa là trong gia đình có người bị trầm cảm thì người phụ nữ sau sinh có nguy cơ cao hơn. Tỷ lệ trầm cảm tái phát ở người từng bị trầm cảm, nhất là trầm cảm ở lần sinh trước cũng rất cao.
Sang chấn tâm lý: Đây được xem là nguyên nhân phổ biến gây ra trầm cảm sau sinh cùng với rối loạn nội tiết tố, sang chấn tâm lý rất đa dạng, thường gặp như mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng và gia đình; lo lắng quá mức về việc chăm sóc con cái; sinh khó, trẻ sinh ra sức khỏe yếu, mắc bệnh lý bẩm sinh hoặc chết non; không có sự hỗ trợ trong chăm sóc trẻ từ chồng và gia đình; mang thai khi chưa có mong muốn hoặc mang thai do bị cưỡng ép....
2. Dấu hiệu nhận biết trầm cảm sau sinh
Bệnh trầm cảm sau sinh thường không được phát hiện cho đến khi người bệnh có những hành động làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân. Do đó, nhận biết các dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh con chính là cách để bảo vệ bản thân khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của bệnh trầm cảm.
Lo lắng, đau cơ thể không rõ nguyên nhân: Sau sinh, bà mẹ thường có nhiều mối lo về bản thân, gia đình và con cái, nhiều người cảm thấy đau dữ dội ở cổ và đầu, lưng, ngực nhưng khi khám thì không tìm ra nguyên nhân.
Hoảng hốt: Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh con thường cảm thấy hoảng hốt với những điều có thể xảy ra hàng ngày, sau khi hoảng hốt thì rất khó để họ bình tĩnh lại. Cách tốt nhất trong trường hợp này chính là tránh để những tình huống đó xảy ra lặp lại nhiều lần.
Căng thẳng: Dấu hiệu này thường xuyên sẽ làm cho chứng trầm cảm trở nên nặng nề hơn. Loại căng thẳng này là dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh và không thể điều trị bằng thuốc an thần, tuy nhiên, nếu chuyển sang một số dạng thuốc khác ít tính phụ thuộc hơn thì sẽ tốt.
Cảm giác bị ám ảnh: Những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh con thường hay bị ám ảnh về một việc, một người hay một hành động cụ thể nào đó. Những nỗi ám ảnh có thể đi kèm với cảm giác tội lỗi mà không có nguyên do.
Mất tập trung: Đây cũng chính là biểu hiện trầm cảm sau sinh dễ bị bỏ qua. Người bệnh sẽ thường khó tập trung để làm một việc gì đó và cảm thấy trí nhớ kém và đôi lúc không sắp xếp được suy nghĩ. Dần dần họ cảm thấy bản thân rất tồi tệ.
Rối loạn giấc ngủ: Người bệnh bị trầm cảm thường rất khó đi vào giấc ngủ và thường hay bị thức giấc vào giữa đêm hoặc thỉnh thoảng gặp ác mộng và không thể ngủ lại được nữa.
Tình dục: Những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh thường sẽ bị mất hứng thú tình dục trong thời gian dài và thường sẽ khỏi nếu mẹ bị hết trầm cảm.
Ngoài ra, một vài dấu hiệu tâm lý thường gặp ở những người bị trầm cảm sau sinh con dễ nhận thấy như thay đổi khẩu vị và tăng hoặc giảm cân; mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều; tâm trạng buồn bã; thường nghĩ đến cái chết và tự tử...
3. Đối tượng nào dễ mắc trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh có thể xảy ra ở bất kỳ người mẹ nào, tuy nhiên chiếm tỷ lệ cao nhất ở phụ nữ sinh con lần đầu tiên; người có tiền sử bị trầm cảm sau sinh hoặc có tiền sử trầm cảm, rối loạn tâm lý ngoài thai kỳ; mang thai dưới 18 tuổi, mang thai ngoài ý muốn; biến chứng thai kỳ như thai chết lưu, sảy thai.
Ngoài ra, những người thiếu sự quan tâm chăm sóc của người thân, nhất là chồng; trải qua biến cố trước khi mang thai (bệnh tật, hiếm muộn…); có mâu thuẫn với chồng, mẹ chồng cũng có nhiều nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh.
4. Trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, trầm cảm sau sinh gây ra những tác động xấu đến sức khỏe của người mẹ và trẻ em, cũng như mối quan hệ của họ với các thành viên trong gia đình.
Đối với phụ nữ
Với bản thân người mẹ, trầm cảm sau sinh khiến tinh thần kiệt quệ, gây ra tình trạng suy dinh dưỡng, suy nhược thần kinh, sụt cân,… Nguy hiểm hơn là xuất hiện những suy nghĩ hoang tưởng và từ đó gây ra hành vi nguy hiểm, tự làm tổn thương bản thân.
Trầm cảm sau sinh có thể phát triển thành bệnh rối loạn tâm thần nếu không chữa trị kịp thời. Ngay cả khi được điều trị, bệnh làm tăng nguy cơ trầm cảm trong tương lai.
Phụ nữ trầm cảm sau sinh thường không đủ sức khỏe để chăm sóc con cái, nguy cơ tự tử cao.
Đối với người con
Những đứa trẻ có mẹ bị trầm cảm nhiều nguy cơ không phát triển cảm xúc, hành vi như chậm phát triển ngôn ngữ, vận động; hạn chế khả năng giao tiếp; có thể có những hành vi bất thường hoặc dễ kích động hơn trẻ bình thường; trẻ dễ căng thẳng và khó thích nghi với môi trường, khó hòa nhập xã hội…
Khi mẹ bị trầm cảm, họ không có đủ sức khỏe và tâm trí chăm sóc con. Nếu trầm cảm nặng, mẹ thường có những suy nghĩ tự tử, tự hại bản thân và chính đứa con mình vừa sinh ra. Không ít trường hợp chứng hoang tưởng do trầm cảm ở mẹ sau sinh gây ra cái chết thương tâm cho con.
Đối với gia đình
Người chung sống cùng người bị trầm cảm sau sinh có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao. Đó có thể là người chồng, hay bố mẹ, anh chị em ruột chung sống trong một mái nhà, khi có sự căng thẳng triền miên trong gia đình, tâm lý, sức khỏe từng thành viên sẽ ảnh hưởng.
5. Cách vượt qua trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh có chữa được không phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện bệnh. Các chuyên gia sức khỏe tâm lý có thể giúp mẹ sau sinh có hướng điều trị trầm cảm phù hợp và đúng đắn nhất, trong đó có thể kể đến một số phương pháp sau.
Tham vấn tâm lý
Các bác sỹ tâm lý có thể sử dụng liệu pháp hành vi nhận thức tức là giúp người bệnh nhận ra và thay đổi những suy nghĩ tiêu cực và hành vi của mình một cách dần dần; hoặc liệu pháp tương tác nghĩa là giúp mọi người xung quanh hiểu được và hỗ trợ người bệnh điều trị hiệu quả.
Phụ nữ trầm cảm nhẹ có thể được tư vấn điều trị. Những trường hợp nặng hơn có thể được điều trị tư vấn kết hợp với sử dụng thuốc.
Điều trị bằng thuốc
Khi người mẹ nghĩ rằng mình bị trầm cảm sau sinh thì nên tư vấn với bác sỹ càng sớm càng tốt.
Cố gắng báo với bác sĩ về tất cả các triệu chứng gây khó chịu, điều này sẽ giúp cho thầy thuốc chẩn đoán chính xác về bệnh hơn. Thuốc được kê toa thông thường hoặc là thuốc an thần hoặc là thuốc chống trầm cảm. Thuốc chống trầm cảm có tác dụng ức chế lên não bộ, điều chỉnh tâm trạng.
Tuy nhiên việc dùng thuốc chống trầm cảm cần được xem xét và theo đúng chỉ định của bác sỹ. Nếu thuốc thích hợp với bạn thì đừng nên rút ngắn thời gian điều trị, bởi trầm cảm cần thời gian điều trị kéo dài để được phục hồi hoàn toàn. Nếu sau khi ngừng thuốc, các triệu chứng tái phát, hãy đến gặp bác sỹ tư vấn thêm.
Hỗ trợ từ người thân
Bạn bè và gia đình cần động viên, hỗ trợ người mẹ đang được điều trị trầm cảm. Sự giúp đỡ từ gia đình đóng vai trò quan trọng, giúp người mẹ phục hồi nhanh chóng.
Vai trò của bản thân
Bên cạnh các phương pháp điều trị cùng với sự chia sẻ của người thân, bản thân người mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hồi phục. Người mẹ đang trải qua trầm cảm nên tin tưởng và kiên nhẫn vào khả năng cải thiện chứng trầm cảm của bản thân.
Người mẹ cần lắng nghe cơ thể mình, đừng quá lo lắng khi đau, mệt, bởi đau nhức là trạng thái các sản phụ sau sinh có thể trải qua, và mệt mỏi là nguyên nhân khiến trầm cảm trở nên trầm trọng hơn. Người mẹ hãy thư giãn và làm những điều bản thân yêu thích; chăm sóc sức khỏe bản thân bằng việc ăn uống điều độ, bổ sung trái cây và rau xanh hằng ngày.
6. Giải pháp phòng ngừa trầm cảm sau sinh
Phụ nữ trong quá trình mang thai và sau khi sinh con có nhiều sự thay đổi lớn, vì vậy rất dễ bị trầm cảm. Đề phòng và hạn chế trầm cảm sau sinh, phụ nữ cần lưu ý một số điểm sau.
Trước khi sinh: Khám sức khỏe tổng quát và sàng lọc trước sinh nhằm hạn chế tối thiểu nguy cơ trầm cảm; bổ sung dinh dưỡng (sắt, acid folic, vitamin, chất xơ…) và thực hiện lối sống lành mạnh ngay từ khi mang thai; tham gia các lớp học tiền sản dành cho vợ và chồng; chuẩn bị sức khỏe tinh thần và thể chất ít nhất 3 tháng trước khi có thai.
Sau khi sinh: Kiểm tra sớm sức khỏe sau sinh nhằm sàng lọc các dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm sau sinh; thực hiện lối sống lành mạnh; tinh thần thoải mái cởi mở, chia sẻ và tâm sự với người thân, bạn bè; cố gắng dành thời gian riêng cho bản thân (đọc sách, xem phim, vui chơi, mua sắm,…); tập thể dục và vận động nhẹ nhàng..../.
Italy: Gần 50% người trẻ rơi vào trạng thái lo lắng, trầm cảm sau COVID-19
Báo cáo mang tên "Thế hệ sau đại dịch," trong đó nêu rõ 49,4% người Italy trong độ tuổi từ 18 đến 25 xuất hiện hội chứng lo lắng cao độ do đại dịch COVID-19 và các biện pháp phong tỏa liên quan.