Bỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tầm soát bệnh tăng nhãn áp

Hiệp hội hỗ trợ người mù và người khiếm thị Bỉ (Eqla) nhấn mạnh cần kiểm tra kỹ lưỡng và tầm soát (bệnh tăng nhãn áp) thường xuyên đối với những người trên 40 tuổi.
Ảnh minh họa.(Nguồn: Reuters)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, nhân Tuần lễ Glocom Thế giới 2023, Hiệp hội hỗ trợ người mù và người khiếm thị Bỉ (Eqla) nhấn mạnh cần kiểm tra kỹ lưỡng và tầm soát (bệnh tăng nhãn áp) thường xuyên đối với những người trên 40 tuổi, vì đây là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến thứ hai thế giới.

Ông Rafal Naczyk, người phát ngôn của Eqla, dẫn các số liệu thống kê cho biết khoảng 250.000-300.000 người mắc bệnh tăng nhãn áp ở Bỉ. Con số này chiếm lần lượt 3% dân số và 8% ở nhóm người trên 55 tuổi. Tuy nhiên, có tới gần 50% số người mắc bệnh mà không biết.

Tuần lễ Glocom Thế giới 2023 nhằm nâng cao nhận thức về bệnh mắt mãn tính. Trong tuần lễ này, một số bệnh viện tại Bỉ sẽ tổ chức khám sàng lọc miễn phí.

Glocom được biết đến ở Việt Nam với tên dân gian thường gọi là bệnh thiên đầu thống hay cườm nước. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, Glocom là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến thứ hai thế giới, chỉ sau đục thủy tinh thể.

Căn bệnh này đã ảnh hưởng tới gần 80 triệu người từ 40-80 tuổi (tính đến 2020). Dự báo số lượng bệnh nhân có thể tăng tới hơn 100 triệu người vào năm 2040. Đáng chú ý, trong tổng số ca mắc Glocom trên thế giới, châu Á chiếm tới 47%, trong đó gần 50% người không biết mình có bệnh.

[Những phát hiện khoa học mới giúp điều trị ung thư thực quản]

 Glocom được phân loại theo diễn biến (gồm: thể mạn tính và cấp tính). Ở thể mãn tính, bệnh gần như không có triệu chứng rõ ràng. Glocom diễn biến rất nhanh. Đa số bệnh nhân tới thăm khám tại các cơ sở y tế ở tình trạng đã xuất hiện những cơn đau nhức hoặc khi thị lực đã suy giảm trầm trọng.

Ở giai đoạn muộn, việc điều trị bệnh chỉ còn mang tính kiểm soát đau, ít khả năng có thể phục hồi thị lực. Do đó, Eqla nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sàng lọc bệnh sớm và thường xuyên.

Glocom có thể gặp ở mọi lứa tuổi và tần suất của bệnh tăng dần theo năm tháng và đặc biệt là từ 40 tuổi. Tiền sử gia đình cũng có thể được tính đến, 30% số người mắc Glocom có tính chất di truyền.

Ngoài ra, còn có các yếu tố nguy cơ khác như áp lực nội nhãn cao, cận thị rất cao, tiểu đường, ngưng thở khi ngủ hoặc sử dụng corticosteroid (corticoid) kéo dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục