Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen đã làm gián đoạn hoạt động thương mại quốc tế trên tuyến đường vận chuyển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á.
Nhằm vào tuyến đường chiếm khoảng 15% lưu lượng vận tải biển của thế giới, các cuộc tấn công nói trên đã buộc nhiều công ty vận tải biển phải chuyển hướng tàu.
Nhiều công ty trong ngành ôtô như công ty sản xuất ô tô Suzuki của Nhật Bản, Geely của Trung Quốc và Volvo của Thụy Điển, cũng như công ty sản xuất lốp xe Michelin, đã phải ngừng hoạt động sản xuất trong một khoảng thời gian vì nguyên vật liệu và máy móc được vận chuyển đến muộn.
Nhà sản xuất xe điện TESLA cũng cho biết sẽ tạm dừng hầu hết hoạt động sản xuất ô tô tại nhà máy gần Berlin, Đức từ ngày 29/1-11/2 do thiếu phụ tùng.
Trong lĩnh vực năng lượng, BP, Equinor, Shell và Qatarenergy cho biết đã dừng tất cả hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ và chuyển hướng sang các tuyến đường khác. Giám đốc điều hành của công ty Edison gần đây cho biết nguồn cung khi tự nhiên hóa lỏng từ Qatar đã bắt đầu chậm lại. Trong khi đó, công ty lọc dầu của Mỹ Valero Energy cho hay các cuộc tấn công ở Biển Đỏ đã khiến cước phí vận chuyển dầu thô gia tăng.
Công ty logistics DHL của Đức đã khuyến cáo khách hàng quản lý kỹ hàng dự trữ. Công ty này không vận hành tàu biển những sử dụng tàu để vận chuyển container. Còn công ty vận tải hàng hóa FedEx của Mỹ cho biết vẫn chưa nhận thấy có sự chuyển hướng đáng kể sang hình thức vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không do tình trạng gián đoạn ở Biển Đỏ.
Căng thẳng Biển Đỏ thúc đẩy nhu cầu vận chuyển bằng đường sắt qua Nga
Các công ty vận chuyển hàng hóa cho hay lượng đặt chỗ trên tuyến đường sắt qua Nga tăng mạnh khi có chi phí thấp hơn vận tải hàng không và nhanh hơn so với vận tải đường biển.
Còn trong lĩnh vực bán lẻ, CEO của Adidas Bjorn Gulden đầu tháng này cho biết cước phí vận tải biển tăng mạnh do tình hình ở Biển Đỏ đã làm gia tăng chi phí và sự chậm trễ trong hoạt động vận chuyển đã gây ra nhiều vấn đề về giao hàng.
Trong khi đó, công ty nội thất Ikea lại vẫn giữ kế hoạch giảm giá dù chi phí gia tăng, và có đủ nguồn dự trữ để ứng phó với bất kỳ cú sốc nào trong chuỗi cung ứng.
Nhìn chung, các công ty phải thay đổi kế hoạch sản xuất như tạm dừng hoặc giảm sản lượng do nguyên vật liệu đến muộn.
Để đảm bảo được nguồn cung, nhiều công ty phải chuyển hướng sang các tuyến đường khác, xác định các mặt hàng ưu tiên vận chuyển, và giữ liên hệ thường xuyên với các nhà cung cấp để đảm bảo có đủ nguồn cung./.