Biểu tình đòi hạn chế tiếp nhận lao động nước ngoài tại Indonesia

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngày 1/5, tại Jakarta đã diễn ra cuộc biểu tình lớn của những người lao động, yêu cầu chính phủ hạn chế tiếp nhận lao động nước ngoài.
Biểu tình đòi hạn chế tiếp nhận lao động nước ngoài tại Indonesia. (Ảnh: Đỗ Quyên/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngày 1/5, tại Jakarta đã diễn ra cuộc biểu tình lớn của những người lao động.

Từ buổi sáng, dọc những con đường dẫn đến trung tâm thành phố, khu vực tượng đài quốc gia (Monas) đã đông đặc dòng người mặc áo đỏ mang biểu ngữ với các dòng chữ yêu cầu tăng lương; dành nhiều việc làm cho người lao động Indonesia; quan tâm hơn đến lao động nữ; yêu cầu giảm giá gạo, điện, xăng dầu; xây dựng an ninh lương thực và an ninh năng lượng… Cảnh sát đã chặn một số tuyến đường để người biểu tình diễu hành.

Dòng người biểu tình đến từ các thành phố lân cận như Bandung, Jabodetabek, Serang, Karawang và Purwakarta…

Biểu tình đòi hạn chế tiếp nhận lao động nước ngoài tại Indonesia. (Ảnh: Đỗ Quyên/TTXVN)

Những người biểu đã tình yêu cầu chính phủ từ chối những lao động phổ thông nước ngoài để dành việc làm cho người lao động trong nước. Họ bày tỏ phản đối Quy chế số 20/2018 của Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa ban hành về việc sử dụng lao động người nước ngoài, đặc biệt là lao động người Trung Quốc vốn chiếm đa số tại đất nước vạn đảo.

Không chỉ riêng tại Jakarta, các cuộc biểu tình hòa bình của Liên đoàn Công đoàn (KSPI) cũng diễn ra đồng thời tại 25 tỉnh với 200 huyện trên cả nước Indonesia để phản đối lao động phổ thông nước ngoài vào Indonesia.

Biểu tình đòi hạn chế tiếp nhận lao động nước ngoài tại Indonesia. (Ảnh: Đỗ Quyên/TTXVN)

Đại diện các nhóm biểu tình cho rằng, hiện nay, Indonesia vẫn đang phải lo việc làm cho hơn 7 triệu công nhân thất nghiệp, hơn nữa, lao động nước ngoài đang được trả lương cao hơn, như vậy là không công bằng và hợp lý. Lao động địa phương được trả lương nhiều nhất là 4 triệu rupiah, trong khi người nước ngoài có thể được nhận tới 10 triệu rupiah/tháng.

Arif, một người biểu tình nói: “Chúng tôi yêu cầu hủy bỏ quy chế số 20/2018 về tuyển dụng người nước ngoài, chúng tôi cần việc làm và cần nuôi gia đình”.

[Photo] Tuần hành tại nhiều quốc gia nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5

Trước đó, Bộ trưởng Nguồn nhân lực Muhammad Hanif Dhakiri  nhấn mạnh rằng Quy chế nói trên là nhằm mục đích đơn giản hóa các thủ tục cho việc tuyển dụng lao động, hơn là hỗ trợ đưa công nhân nước ngoài vào Indonesia. Số lượng lao động nước ngoài tại Indonesia vẫn ở mức hợp lý so với dân số khoảng 263 triệu người. Tính đến cuối năm 2017, có gần 86.000 lao động nước ngoài làm việc tại Indonesia. Con số này vào các năm 2016 và 2015 lần lượt là hơn 80.000 và 77.000 người.

Biểu tình đòi hạn chế tiếp nhận lao động nước ngoài tại Indonesia. (Ảnh: Đỗ Quyên/TTXVN)

Bên cạnh yêu cầu từ chối lao động nước ngoài, những người biểu tình cũng kêu gọi hủy bỏ quy chế số 78/2015 mà họ cho là đã đặt ra tiêu chuẩn tiền lương ở mức thấp và coi đây là bước đầu tiên trong nỗ lực tạo ra hệ thống lương quốc gia.

Ngoài ra, các cuộc biểu tình cũng yêu cầu chính phủ tiếp tục chống tham nhũng, tăng trợ cấp cho người dân, đặc biệt là giáo dục, y tế, năng lượng, nhà ở, cải thiện giao thông và cam kết thực hiện cải cách nông nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục