Biểu tình ở thủ đô Brussels phản đối chính sách mới về lao động

Gần 50.000 người thuộc các nghiệp đoàn trên khắp nước Bỉ đã tập trung biểu tình tại thủ đô Brussels nhằm phản đối chính sách lao động mới của chính phủ.
Người dân Bỉ biểu tình phản đối chính sách mới về lao động. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 24/5, gần 50.000 người thuộc các nghiệp đoàn trên khắp nước Bỉ đã tập trung biểu tình tại thủ đô Brussels nhằm phản đối chính sách lao động mới của chính phủ.

Với những chiếc áo mang ba màu sắc đặc trưng của các nghiệp đoàn gồm xanh lá cây, xanh nước biển và đỏ, đoàn biểu tình mang theo biểu ngữ "Không chấp nhận 45 giờ làm việc/tuần," "Không được động vào lương hưu của chúng tôi"...

Những người tham gia biểu tình cho rằng chính phủ không bảo vệ quyền lợi của người lao động, đồng thời mong muốn một chính sách có ý nghĩa và có triển vọng đối với người dân.

Cuộc biểu tình đã gây ảnh hưởng tới hệ thống giao thông công cộng ở thủ đô Brussels và các vùng lân cận. Phần lớn các tuyến tàu điện ngầm, tàu điện nổi và xe buýt tại thủ đô Brussels không hoạt động.

Tình hình tương tự tại các tỉnh thuộc vùng Cộng đồng nói tiếng Pháp như Namur, Hainaut, Mons, Chaleroi... Những người biểu tình quá khích đã ném các vật cứng vào cảnh sát khiến cảnh sát buộc phải phun nước vào người biểu tình để thiết lập trật tự.

Đụng độ đã khiến 10 người bị thương, trong đó có hai cảnh sát.

Hồi đầu tháng Tư vừa qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Việc làm Bỉ Kriss Peeters đã đưa ra dự luật nhằm cải cách hệ thống việc làm và các doanh nghiệp theo cách thức linh hoạt hơn.

Với tên gọi "Đổi mới xã hội," dự luật này đã gây ra làn sóng phản đối trong giới doanh nghiệp. Theo đó, một cách thức làm thêm giờ mới được thiết lập trên cơ sở tính toán giờ làm thêm trong một năm.

Thay vì mốc 38 giờ/tuần, thời gian tham khảo để tính toán giờ làm thêm được trải dài trong một năm với thời gian làm việc một ngày không được vượt quá 9 giờ và 1 tuần không được vượt quá 45 giờ, trừ một số lĩnh vực.

Người sử dụng lao động sẽ tổ chức công việc trong suốt cả năm và thống nhất với người lao động. Nếu người lao động đồng ý, họ có thể làm tới 11 giờ/ngày và 50 giờ/tuần và bù lại thời gian làm việc ngắn hơn vào các tuần khác. Kết quả sẽ tạo ra một thời gian làm việc linh hoạt hơn và tạo điều kiện cho người lao động được đào tạo.

Dự kiến, một cuộc biểu tình trên toàn quốc tương tự sẽ diễn ra vào tháng Chín này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục