Bình chữa cháy trên xe ôtô không thể bị cháy, nổ chỉ là hãn hữu

Trước dư luận lo ngại về tính chất an toàn của bình chữa cháy trên xe ôtô, lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khẳng định: bình chữa cháy không thể cháy, nổ chỉ là hãn hữu.
Đại tá Đào Hữu Thắng - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ. (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Đại tá Đào Hữu Thắng-Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khẳng định: Các bình chữa cháy đặt trên xe ôtô không thể bị cháy, trường hợp nổ chỉ là hãn hữu.

Vừa qua, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 57/2015/TT-BCA quy định về việc xe ôtô từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị bình cứu hỏa. Quy định này có hiệu lực từ ngày 6/1.

Trước những lo ngại của dư luận về rủi ro cháy, nổ bình cứu hỏa xuất phát từ điều kiện khí hậu của Việt Nam, đại tá Đào Hữu Thắng khẳng định: những bình cứu hỏa trang bị trên xe ôtô không bao giờ ​bị cháy. Nhưng, dưới góc độ nghiên cứu phân tích về khoa học, những chiếc bình này có thể xảy ra nổ, tuy nhiên trường hợp này​ rất hãn hữu.

Đại tá lý giải: “ Nổ có 2 dạng nổ, nổ hóa học và nổ lý học, đối với bình chữa cháy, không thể xảy ra trường hợp các loại hóa chất tác động với nhau gây ra nổ hóa học. Tuy nhiên có trường hợp áp suất bên trong bình tăng cao, vỏ bình không chịu được, sẽ gây ra nổ lý học. Dù loại bình có van an toàn hay bình không van an toàn, áp suất thấp, các nhà sản xuất đều đã tính đến các trường hợp để không xảy ra sự cố trên.”

“Việc nổ bình đâu đó rất hãn hữu, thực tế tôi chưa được xem xét, xác định vụ nổ đó nguyên nhân do đâu, cái này cần thời gian, phải căn cứ vào khám nghiệm, đánh giá dựa trên cơ sở khoa học mới có thể xác định được. Tuy nhiên tôi xin khẳng định lại, việc nổ bình chữa cháy là rất hãn hữu, và nguyên nhân gây nổ rất có thể do chất lượng bình hoặc sai sót trong việc sử dụng.”

Nhiều ý kiến cũng cho rằng khí hậu Việt Nam nắng, nóng cùng giới hạn chịu nhiệt của bình có hạn (-7 độ C đến 55 độ C), nếu xe ôtô đặt ở trời nắng nóng, khúc xạ ánh sáng, có khi trong xe nhiệt độ có thể lên đến 60 độ C thậm chí hơn dẫn đến xì khí, hỏng bình.

Về vấn đề này, đại tá thừa nhận lo ngại trên là đúng, tuy nhiên, Phó Cục trưởng bày tỏ quan điểm cá nhân cho rằng: “ Đó là tiêu chuẩn kỹ thuật của bình, chúng ta nên áp dụng cho đúng, sử dụng phương tiện nào cũng vậy thôi. Người đang ngồi trong xe không thể có nhiệt độ lên đến 50 độ C, nếu nhiệt độ lên đến 70, 80 độ C thì không chỉ bình chữa cháy mà các trang thiết bị khác cũng không thể chịu được và bị hủy hoại do tác động nhiệt. Nhiều nước trên thế giới, cả ôn đới và nhiệt đới, cũng được trang bị bình chữa cháy với đầy đủ tiêu chuẩn định mức, giới hạn bảo quản trong xe chứ không riêng gì Việt Nam.”

Đại tá Đào Hữu Thắng cũng khuyến cáo người dân nên lựa chọn các loại bình chữa cháy đã có kiểm định chất lượng.

Phỏng vấn đại tá Đào Hữu Thắng - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục