Bộ trưởng Nội vụ xác nhận tiền lương cho nhân viên trường học rất thấp

Bộ Nội vụ chia sẻ về cải cách tiền lương nhân viên trường học

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các địa phương rà soát lại số nhân viên trường học để sắp xếp theo đúng vị trí việc làm và sắp tới thực hiện cải cách tiền lương đối với nhóm đối tượng này.
Nhân viên y tế trường học kiểm tra vật tư phòng y tế. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề tăng lương cho lực lượng nhân viên trường học sáng nay, 7/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay: “Trong thời gian tới, khi cải cách tiền lương, chúng tôi thấy đây là nhiệm vụ quan trọng.”

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Trịnh Minh Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho biết, nhân viên trường học có vị trí, vai trò quan trọng trong tổ chức các hoạt động dạy và học của nhà trường. Tuy nhiên hiện lương của nhân viên nhà trường còn rất thấp. “Khi cải cách chính sách tiền lương mới thì Bộ trưởng có giải pháp nào để cải thiện lương của nhân viên trường học?”, đại biểu Trịnh Minh Bình đặt câu hỏi.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay hiện các nhân viên trường học gồm có thủ quỹ, kế toán, văn thư. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có khoảng 150.000 viên chức công tác làm nhiệm vụ hỗ trợ và phục vụ, trong đó có khoảng 37.800 nhân viên kế toán trường học.

“Thực chất lương của các đối tượng này rất thấp, còn chưa đảm bảo lương tối thiểu vùng theo quy định,” Bộ trưởng Bộ Nội vụ xác nhận.

Theo đó, Bộ trưởng cho biết Bộ Nội vụ xác định đây là nhóm đối tượng quan trọng khi thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các địa phương rà soát lại số nhân viên trường học để sắp xếp theo đúng vị trí việc làm và sắp tới thực hiện cải cách tiền lương đối với nhóm đối tượng này.

Theo các đại biểu, nhân viên trường học tuy số lượng ít nhưng rất quan trọng trong vận hành nhà trường và cần được tăng lương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước đó, vấn đề tiền lương cho nhân viên trường học cũng đã được đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đề cập đến trong phiên thảo luận ngày 1/11. Theo đại biểu Hà Ánh Phượng, nhân viên trường học là một bộ phận chiếm tỷ lệ ít hơn 10% tổng biên chế của một trường học nhưng lại đóng một vai trò rất quan trọng trong việc vận hành và phát triển của một ngôi trường.

[Cải cách tiền lương gắn với nâng cao chất lượng cán bộ, công chức]

Mặc dù họ làm việc 8 tiếng một ngày nhưng họ không được hưởng phụ cấp công vụ như công chức và họ cũng không được hưởng thâm niên như nhà giáo, mặc dù làm cùng trong một ngành giáo dục. Hiện nay phụ cấp của họ rất thấp, thậm chí có những vị trí không được hưởng phụ cấp gì.

Theo đó, đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.

Đây cũng là kiến nghị của đại biểu Triệu Thị Huyền, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái. Đại biểu Huyền nêu thực trạng thiếu nhân viên trường học, nhất là ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đây là một vấn đề không mới nhưng tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và nhân dân. Các chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhân viên trường học vẫn còn hạn chế.

Theo đó, đại biểu Triệu Thị Huyền đề nghị Chính phủ rà soát, có cơ chế, chính sách để ưu đãi và tuyển dụng nhân viên trường học.

Vấn đề lương của lực lượng nhân viên trường học thấp cũng là một trong những nội dung được rất nhiều lãnh đạo các cơ sở giáo dục, các giáo viên kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian vừa qua. Trong buổi gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trước thềm năm học mới 2023-2024, đây cũng là một trong những vấn đề được đề cập nhiều nhất.

Chia sẻ từ thực tế bản thân, cô Lương Thị Thuận Ánh, nhân viên thư viện Trường Trung học cơ sở Thị trấn Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho hay nhân viên nhà trường chỉ có lương chính, không có phụ cấp hoặc có chăng cũng rất thấp (ví dụ, đối với nhân viên thư viện được hưởng phụ cấp độc hại là 0.2 so với mức lương cơ bản), không được hưởng phụ cấp thâm niên nên hầu hết chưa đảm bảo được cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Vì thế, nhiều cán bộ, nhân viên giảm tâm huyết gắn bó với nghề để tìm nguồn mưu sinh ở những lĩnh vực khác. Minh chứng là, việc tuyển viên chức ngành giáo dục hàng năm cho các vị trí thư viện, văn thư, thiết bị có rất ít hồ sơ đăng ký dự tuyển và hiện tại các vị trí này ở một số trường vẫn còn thiếu nhân viên chuyên trách.

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định nhân viên làm trong ngành giáo dục tuy ít, nhưng mỗi vị trí đều đóng vai trò quan trọng trong nhà trường. Bộ trưởng cho rằng cần biện pháp kiến nghị để tăng lương, thu nhập cho nhóm này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục