Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến rút hàng trăm binh sỹ tại châu Phi

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Candice Tresch cho biết trong những năm tới, quân đội Mỹ dự kiến cắt giảm khoảng 10% trong tổng số 7.200 binh sỹ đang được triển khai tại châu Phi.
Binh sỹ Mỹ. (Nguồn: AP)

Trong những năm tới, quân đội Mỹ sẽ rút hàng trăm binh sỹ tham gia sứ mệnh chống khủng bố tại châu Phi.

Trong thông báo ngày 15/11, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Candice Tresch nêu rõ quân số cắt giảm dự kiến là khoảng 10% trong tổng số 7.200 binh sỹ đang được triển khai tại châu Phi.

Bà Candice Tresch không thông báo cụ thể tên các nước mà ở đó Mỹ tiến hành việc cắt giảm binh sỹ, song nhấn mạnh quyết định này của Washington không ảnh hưởng đến hoạt động chống các nhóm vũ trang cực đoan tại nhiều nước như Somalia, Djibouti hay Libya.

Trong khi đó, ở một số khu vực khác như Tây Phi, quân đội Mỹ sẽ chuyển trọng tâm hoạt động từ hỗ trợ chiến thuật sang các hoạt động cố vấn, trợ giúp, liên lạc và chia sẻ thông tin tình báo.

Bà Tresch khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác, đối tác cũng như các chương trình an ninh tại châu Phi, qua đó củng cố mạng lưới đối tác và năng lực đối tác của mình.

Theo một quan chức Mỹ giấu tên, việc cắt giảm quân số có thể diễn ra trong vòng 3 năm tới tại một số quốc gia như Kenya, Cameroon và Mali.

Vai trò quân sự của Mỹ tại châu Phi thu hút sự chú ý ngày càng lớn sau khi xảy ra một cuộc phục kích trong năm ngoái tại Niger, do một nhánh địa phương của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiến hành, khiến 4 binh sỹ Mỹ và 4 thành viên thuộc các lực lượng Nigeria thiệt mạng.

Thông báo chính thức về kế hoạch cắt giảm quân tại châu Phi được Lầu Năm Góc đưa ra một ngày sau khi báo cáo của các chuyên gia lưỡng đảng thuộc một ủy ban Quốc hội Mỹ cho rằng Chiến lược Quốc phòng quốc gia (NDS) mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump không được đúc rút từ những căn cứ đầy đủ và hợp lý, đồng thời Mỹ đang đối mặt với nguy cơ thất bại về mặt quân sự trước Nga hoặc Trung Quốc.

[Quân đội Mỹ đang điều chỉnh chiến thuật tại Afghanistan]

Báo cáo cho rằng NDS không được đầu tư đủ nguồn lực và công sức, và “những gì được nhắc tới rõ ràng không phù hợp để đáp ứng các mục tiêu tham vọng trong chiến lược, chẳng hạn như nỗ lực đảm bảo rằng Bộ Quốc phòng có thể chiến thắng một đối thủ mạnh mẽ và cùng lúc răn đe những kẻ thù khác."

Báo cáo cảnh báo rằng với những xu hướng hiện tại cùng các nỗ lực của Nga và Trung Quốc trong việc củng cố năng lực quân sự, “quân đội Mỹ có thể sẽ phải hứng chịu những thiệt hại tồi tệ” và “đặc biệt đang đối mặt với rủi ro thất bại nặng nề nếu quân đội buộc phải dàn trải lực lượng trên hai hoặc nhiều mặt trận cùng lúc."

Để giảm thâm hụt tài chính, chính quyền của Tổng thống Trump đang cân nhắc cắt giảm chi tiêu quốc phòng. Mỹ dự kiến chi khoảng 716 triệu USD cho các hoạt động quốc phòng trong tài khóa 2019.

Tuy nhiên, giới chức cho biết Washington dự định cắt giảm con số này xuống còn 700 triệu USD vào tài khóa tiếp theo.

Ủy ban gồm 12 chuyên gia, dẫn đầu là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách Eric Edelman và cựu Tư lệnh hải quân, Đô đốc nghỉ hưu Gary Roughead, có nhiệm vụ cung cấp đánh giá độc lập và phi đảng phái về Chiến lược Quốc phòng 2018 theo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2017 (NDAA 2017).

Lầu Năm Góc đã ra tuyên bố “hoan nghênh báo cáo của ủy ban," đồng thời cho rằng báo cáo đã “tái khẳng định định hướng chiến lược được đề ra trong NDS, cũng như các ưu tiên then chốt."

Tuyên bố không đề cập tới các chỉ trích mà báo cáo đưa ra, nhưng cho biết Bộ Quốc phòng “sẽ thận trọng cân nhắc mọi nhận định của ủy ban và tiếp tục các nỗ lực để củng cố quốc phòng, hoan nghênh việc phối hợp với ủy ban cũng như Quốc hội trong vấn đề này”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục