Bộ Tài chính Mỹ: Nghĩa vụ tài chính của chính phủ có thể được đáp ứng

Người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ Christopher Hayden nêu rõ việc quốc hội thông qua dự luật trần nợ công giúp bộ này có được công cụ cần thiết để đảm bảo kinh tế Mỹ có thể đáp ứng nghĩa vụ tài chính.
Tòa nhà Bộ Tài chính Mỹ ở Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 5/6, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định có thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của chính phủ liên bang sau khi Quốc hội nước này thông qua dự luật về trần nợ công.

Người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ Christopher Hayden nêu rõ việc quốc hội thông qua dự luật, trong đó đình chỉ áp mức trần nợ 31.400 tỷ USD trong 2 năm - đến ngày 1/1/2025, giúp bộ này có được công cụ cần thiết để đảm bảo nền kinh tế Mỹ có thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen từng cảnh báo nếu dự luật trên không được thông qua, bộ này không thể thanh toán và chuyển 92 tỷ USD, trong đó có khoản điều chỉnh 36 tỷ USD cho quỹ tín thác Medicare và An sinh xã hội.

[Tổng thống Mỹ ký ban hành luật về trần nợ công sau nhiều tranh cãi]

Hôm 2/6, Bộ Tài chính Mỹ đã bán đấu giá các hóa đơn quản lý tiền mặt kỳ hạn 1 ngày - công cụ chi trả nợ ngắn hạn thường được bộ này phát hành, như công cụ thay thế cho giấy nợ kho bạc hay tín phiếu kho bạc, trị giá 15 tỷ USD.

Sau khi Tổng thống Biden ký ban hành luật, Bộ Tài chính Mỹ đã bán đấu giá các hóa đơn kỳ hạn 6 tháng, với tổng trị giá 61 tỷ USD, và các hóa đơn kỳ hạn 3 tháng, có tổng trị giá 68 USD. Các hóa đơn này đều có kỳ hạn bắt đầu từ ngày 8/6.

Theo giới quan sát, việc đình chỉ áp mức trần nợ cho phép Bộ Tài chính Mỹ duy trì kế hoạch bán đấu giá hóa đơn quản lý tiền mặt như đã định, với tổng số tiền cho vay là 726 tỷ USD từ tháng 4 đến tháng 6. Kế hoạch này có thể mang lại số dư tiền mặt tính tới cuối tháng 6 là 550 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng dự kiến bán đấu giá các hóa đơn quản lý tiền mặt, với tổng số tiền cho vay là 733 tỷ USD từ tháng 7 đến tháng 9, với số dư tiền mặt tới cuối tháng 9 là 600 tỷ USD.

Số dư tiền mặt của Bộ Tài chính Mỹ tính đến ngày 1/6 đã giảm còn 22,9 tỷ USD - thấp hơn nhiều so với mức 54 tỷ USD hôm 2/8/2011 - thời điểm Mỹ bên bờ vực vỡ nợ.

Ngày 3/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật về trần nợ công được Quốc hội thông qua trước đó, chấm dứt những lo ngại nguy cơ Mỹ vỡ nợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục