Chiều 30/3, tại buổi họp báo quý 1, Bộ Tài chính cho biết lũy kế thu ngân sách nhà nước quý 1 ước đạt 491.500 tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022 (ngân sách trung ương đạt 37,6% dự toán; ngân sách địa phương đạt 22,1% dự toán).
Theo Bộ Tài chính, số thu nội địa quý 1 đạt khá chủ yếu do tập trung thu các phát sinh quý 4 và chênh lệch so với quyết toán thuế năm 2022 như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân... theo chế độ được kê khai nộp ngân sách nhà nước trong quý 1/2023.
Tuy nhiên, nếu loại trừ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2022 thì số thu của 3 khu vực này giảm 6% so với cùng kỳ.
Có 4 khoản thu tiến độ thu đạt thấp so với dự toán và giảm so với cùng kỳ là thu thuế bảo vệ môi trường; thu phí, lệ phí; các khoản thu về nhà, đất và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng. Ngoài ra, nếu loại trừ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2022 thì số thu của 3 khu vực này giảm 6% so cùng kỳ.
Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan thực hiện các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023; triển khai đầy đủ các giải pháp, các chính sách thu ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
[Thu ngân sách Nhà nước trong 2 tháng đầu năm ước đạt 362 nghìn tỷ đồng]
Theo Bộ Tài chính, ước tính có 28/63 địa phương thực hiện thu nội địa quý 1 đạt trên 28% dự toán; có 23/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ và 40 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Bên cạnh thực hiện các chính sách để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, điện tử hóa, hóa đơn điện tử, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì cơ quan thuế, hải quan cũng tích cực thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách; tăng cường thu giao dịch thương mại điện tử, thu từ các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; phấn đấu hoàn thành cao nhất dự toán thu Quốc hội quyết định.
Bộ Tài chính nhận định các nhiệm vụ chi ngân sách trong quý 1 được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước.
Lũy kế chi quý 1 đạt 17,5% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 10,1% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); chi trả nợ lãi ước đạt 27,1% dự toán, giảm 3,4%; chi thường xuyên ước đạt 22,4% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2022.
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 24/3/2023, đã thực hiện phát hành gần 94.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,53 năm, lãi suất bình quân 4,26 %/năm./.