Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Lào đánh giá cao hợp tác với Việt Nam

Bộ trưởng Giáo dục Lào Phout Simmalavong nhấn mạnh, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Lào và Việt Nam.
Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Lào Phouth Simmalavong tại buổi nói chuyện về quan hệ Lào-Việt. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

"Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Lào và Việt Nam." Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Lào, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phout Simmalavong tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Lào-Việt Nam (5/9/1962-5/9/2022) và 45 năm Ngày hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào-Việt Nam (18/7/1977-18/7/2022).

Phát biểu tại lễ kỷ niệm do Bộ Giáo dục và Thể thao Lào tổ chức cuối tuần qua, Bộ trưởng Phout Simmalavong cho biết năm 2022 là năm thứ hai Lào và Việt Nam triển khai “Dự án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Lào-Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030.”

Theo Bộ trưởng Phout Simmalavong, Lào và Việt Nam có quan hệ hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong lĩnh vực giáo dục từ lâu. Đây là vấn đề được hai Đảng, hai Chính phủ xác định là một trong những trụ cột quan trọng, là lĩnh vực hợp tác chiến lược và là biểu tượng của mối quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam.

Ngay từ khi hai nước còn đang trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc, trước yêu cầu của cách mạng Lào, Việt Nam đã giúp Lào thiết lập và mở rộng toàn diện giáo dục vùng giải phóng, như giúp Lào thiết lập hệ thống giáo dục vùng giải phóng; cử chuyên gia Việt Nam sang hỗ trợ giáo dục Lào các cấp; hỗ trợ tài liệu giảng dạy và học tập, xuất bản sách giáo khoa và biên soạn tài liệu giảng dạy và học tập; giúp đào tạo cán bộ Lào trong các trường đại học và cao đẳng của Việt Nam; mở trường phổ thông tại Việt Nam để dạy học sinh tiểu học và trung học cơ sở của Lào.

Bộ trưởng Phout Simmalavong cho biết việc hỗ trợ được tổ chức thành nhiều hình thức đào tạo và bồi dưỡng như mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, đào tạo dài hạn, đào tạo chuyên sâu cụ thể và đào tạo tại chỗ ở các cơ sở địa phương.

Ngoài việc giúp đỡ xây dựng cơ sở giáo dục ở vùng giải phóng của Lào, Việt Nam còn thành lập các trường để đào tạo đội ngũ cán bộ cho Lào và tiếp nhận lưu học sinh Lào sang học tại các trường, cơ sở giáo dục của Việt Nam.

Ngôi trường đầu tiên được thành lập vào ngày 1/1/1958 tại tỉnh Thái Nguyên để tiếp nhận quân nhân, bộ đội, công an học tập nâng cao trình độ văn hóa. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, một số trở lại làm việc tại Lào, một số tiếp tục được cử sang Việt Nam đào tạo giáo viên trung cấp trở thành giáo viên giảng dạy trung học cơ sở ở vùng giải phóng của Lào.

Từ đó, Việt Nam tiếp tục xây dựng các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường hữu nghị để tiếp nhận và dạy học sinh từ vùng giải phóng của Lào sang học các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Việt Nam.

[Việt Nam-Lào nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác giáo dục]

Thực hiện kế hoạch hỗ trợ giúp đỡ của Việt Nam cho Lào trong thời kỳ đó, số cán bộ Lào theo học các lĩnh vực và số lưu học sinh Lào học tại Việt Nam niên khóa 1962-1963 đạt 4.300 người. Học sinh hoàn thành trung học phổ thông ở Việt Nam được Trung ương Mặt trận Yêu nước Lào cử đi học đại học, cao đẳng, đại học ở Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam và một số nước châu Âu.

Trong thời kỳ trước năm 1975, hơn 15.000 công chức, nhà nghiên cứu, nhân viên y tế và quân nhân Lào đã được đào tạo ngắn hạn, dài hạn, tại chỗ và ngoài cơ sở tại Việt Nam. Những cán bộ này đã trở thành cán bộ cốt cán, đóng vai trò chủ chốt và lãnh đạo cách mạng Lào.

Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Lào cho biết ngày 2/12/1975, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được thành lập, công tác đào tạo cán bộ cho Lào càng cấp thiết hơn. Trong giai đoạn 1976-1990, số lượng lưu học sinh Lào được đào tạo tại Việt Nam ở nhiều trường từ trung học phổ thông, trung cấp dạy nghề, đại học trên tất cả các lĩnh vực, kể cả kinh tế, lý luận chính trị, quân sự, an ninh, chiếm khoảng 50% của số lượng sinh viên Lào đi học nước ngoài.

Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Lào Phouth Simmalavong, tại buổi nói chuyện về quan hệ Lào-Việt. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngoài ra, hằng năm, Việt Nam cử chuyên gia sang hỗ trợ Bộ Giáo dục Lào xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa, hỗ trợ hoạch định nguồn nhân lực. Bộ Giáo dục Lào cũng đã cử một số cán bộ chuyên viên nhiều đoàn sang Việt Nam để tìm hiểu, trao đổi bài học kinh nghiệm về công tác quản lý giáo dục, phương pháp giảng dạy, giáo dục dân tộc...

Bằng cách chuyển giao quyền hỗ trợ theo hướng “ngành giúp ngành,” giai đoạn từ năm 1991, Việt Nam đã cung cấp cho Lào mọi điều kiện về số lượng, trình độ văn hóa và các điều kiện để tuyển chọn sinh viên sang học.

Từ năm 1992, trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam được ký kết, kế hoạch hợp tác hàng năm giữa hai Bộ Giáo dục đã được triển khai và quy định chi tiết về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.

Từ năm 1991 đến năm 2010, Chính phủ Việt Nam đã đào tạo hơn 12.000 cán bộ kỹ thuật cho Lào, có thể đáp ứng nhu cầu về đội ngũ cán bộ trong các lĩnh vực, trong đó có khoa học kỹ thuật. Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Lào khẳng định đây là sự đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước Lào.

Nhiều cán bộ trưởng thành qua quá trình cách mạng Lào, sau quá trình đào tạo, nâng cấp trình độ ở Việt Nam đã trở thành cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của các địa phương và cán bộ công tác ở các ngành nghề quan trọng của Lào.

Giai đoạn 2011-2020 là giai đoạn hai Bộ Giáo dục thực hiện “Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Lào-Việt trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực,” theo đó Chính phủ Việt Nam đã đào tạo cho hơn 30.000 người (trong mọi lĩnh vực, bao gồm lĩnh vực chính trị-hành chính, an ninh, quốc phòng).

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục cho Lào như xây dựng các trường mẫu giáo, cấp 1, cấp 2, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dạy nghề, ký túc xá SEA Games, ký túc xá sinh viên nước ngoài, tòa nhà tiếng Việt, trung tâm nghiên cứu, trung tâm huấn luyện thể thao và nhiều trung tâm khác.

Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã chủ biên và xuất bản thành công bộ từ điển Lào-Việt, Việt-Lào; đang nỗ lực đưa nội dung lịch sử của mối quan hệ đặc biệt Lào-Việt, Việt-Lào vào giảng dạy các trường học của hai nước; Việc dạy tiếng Việt trong một số trường phổ thông của Lào cũng được triển khai.

Bên cạnh đó, hằng năm, các sở giáo dục và thể thao địa phương, các trường đại học và cơ sở giáo dục của hai nước cũng hợp tác với nhau một cách toàn diện và thường xuyên trao đổi bài học, kinh nghiệm.

Về phía Lào, từ năm 1982 đến năm 2022, cũng đã đào tạo tổng số 4.850 cán bộ, sinh viên cho Việt Nam học tại trường Đại học Quốc gia Lào theo điều kiện thực tế.

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Lào, đây là những con số thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm và có ý nghĩa quan trọng trong hợp tác kinh tế đối ngoại của Lào, hướng tới nhu cầu xây dựng đội ngũ chuyên gia Việt Nam góp phần phát triển hợp tác toàn diện Lào-Việt và Việt Nam-Lào ngày càng đi vào chiều sâu.

Bộ trưởng Giáo dục Lào nhấn mạnh, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Lào và Việt Nam. Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực hết mình, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ cho cách mạng Lào và đây là nguồn vốn rất quý giá không gì có thể so sánh được.

Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Lào, PGS.TS Phout Simmalavong đã thay mặt tập thể cán bộ, giáo viên ngành giáo dục, khoa học và thể thao, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và gửi lời cảm ơn chân thành tới Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam và nhân dân Việt Nam đã không ngừng dành sự giúp đỡ to lớn cho nhân dân Lào trong suốt những năm tháng qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục