Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Không bỏ trống trận địa không gian mạng

Tân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng mạng xã hội không ảo mà là thật, cho nên chúng ta không nên bỏ trống trận địa này.
Hình chỉ mang tính minh họa. (Ảnh: dnaindia.com)

Lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 31/10, tân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng mạng xã hội giờ đây không phải ảo nữa mà là thật. Cho nên chúng ta không nên bỏ trống trận địa này, đặc biệt là người dân, chính quyền phải sống nhiều hơn nữa trên đó bởi khi cái tốt lớn lên thì cái xấu sẽ giảm đi.

['Xóa mù' tri thức công nghệ, ngăn chặn vi phạm trên mạng]

Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh việc cần tuyên truyền cho nâng cao nhận thức người dân là thông tin trên mạng xã hội không được kiểm duyệt nên không phải xem cái gì cũng tin ngay.

Trước đó, nói về việc chống thông tin xấu độc, ông Hùng cho hay trước hết phải định nghĩa tường minh thế nào là thông tin sai bằng pháp luật. Điều này phải sửa một số quy định pháp luật.

Tiếp theo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần có công cụ giám sát phân tích đánh giá, tức là phải dùng công nghệ.

"Một ngày trên mạng xã hội bằng tiếng Việt có khoảng 100 triệu thông tin do đó chúng ta không thể dùng người được," ông Hùng thẳng thắn.

Hiện nay bước đầu Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng được một Trung tâm quốc gia về Giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng có thể đọc 100 triệu tin mỗi ngày và phân tích, đánh giá, phân loại.

Theo ông Hùng, điều cần nữa là công cụ quét rác. Đó là câu chuyện vừa pháp luật, vừa công nghệ: Thứ nhất là phải chỉ ra một đầu mối để xử lý việc này và đây là vấn đề Chính phủ ra quyết định; Thứ hai là công cụ quét rác, dọn dẹp và đây là vấn đề kỹ thuật, công nghệ và có thể làm được.

Ông Hùng cũng chỉ ra cái khó là có những mạng xã hội xuyên biên giới, cung cấp từ nước ngoài vào Việt Nam. Chúng ta cần mạnh tay yêu cầu nhà cung cấp tuân thủ luật pháp Việt Nam đặc biệt là yêu cầu gỡ bỏ thông tin.

"Việc này, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm quốc tế vì EU và một số nước ASEAN đã làm. Quan trọng nhất là chúng ta cương quyết thượng tôn pháp luật, có chế tài xử lý người đưa thông tin sai trên mạng," ông cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục