Ngày 8/10, Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu các cuộc thảo luận về nội dung Hiệp ước mới về di cư và cư trú được Ủy ban châu Âu (EC) công bố tháng trước.
Đây là hội nghị trực tuyến đầu tiên giữa Bộ trưởng Nội vụ các nước EU thảo luận về văn kiện này. Mục đích của hội nghị là tháo gỡ những bất đồng kéo dài nhiều năm qua và có chính sách thống nhất trong vấn đề người di cư từ các nước nghèo khổ và có chiến tranh tại Trung Đông và châu Phi đổ vào "Lục địa Già."
Trong kế hoạch cải cách di cư mang tên "Hiệp ước Di cư và cư trú mới" được mong đợi khá lâu, EC đề xuất các nước thành viên EU nếu không tự nguyện tiếp nhận thêm người di cư thì có thể hỗ trợ tiền để đưa những người này về nước. Biện pháp này được cho là giúp giảm sức ép cho Italy và Hy Lạp - hai "cửa ngõ" chính mà người di cư từ châu Phi tìm cách vào châu Âu.
[Yêu cầu xin tị nạn vào châu Âu giảm mạnh do đại dịch COVID-19]
Cụ thể, các quốc gia ở khu vực biên giới ngoài của EU đang chịu sức ép lớn trước làn sóng người di cư bất hợp pháp, như Italy và Malta, có thể đề nghị kích hoạt một "cơ chế đoàn kết bắt buộc."
Khi đó, tất cả các nước còn lại hoặc phải đóng góp tài chính để hỗ trợ việc trục xuất người di cư bất hợp pháp, hoặc tiếp nhận họ hoặc hỗ trợ tài chính cho nước EU phải tiếp nhận họ. Mức đóng góp sẽ tùy theo khả năng kinh tế và quy mô dân số của mỗi nước.
Trong khi đó, EC cũng đề xuất EU sẽ trả cho các nước 10.000 euro (11.750 USD)/1 người di cư được một nước nào đó tiếp nhận. Thời hạn trục xuất người di cư trái phép cũng được nêu cụ thể. Nếu trong vòng 8 tháng mà một nước EU không trục xuất được một người di cư trái phép về nước của họ, nước EU đó sẽ phải tiếp nhận người này.
Phát biểu trước báo giới, ông Horst Seehofer, Bộ trưởng Nội vụ Đức - nước hiện giữ chức Chủ tịch EU - cho biết mục tiêu của liên minh là chú trọng tới những người dễ bị tổn thương cần được bảo vệ, trong đó bao gồm những người chạy trốn chiến tranh.
Ông khẳng định EU muốn có một quy định chung để trong tương lai, liên minh này không phải tiếp nhận những người không thực sự cần được bảo vệ. Đức chủ trương đạt được một thỏa thuận giữa các nước EU về hiệp ước mới nói trên vào cuối năm nay. Tuy nhiên, tiến trình này có thể còn kéo dài.
Đề xuất của EC được đưa ra sau các vụ hỏa hoạn thiêu rụi các trại tị nạn trên đảo Lesbos của Hy Lạp, đẩy hàng nghìn người tị nạn vào “cảnh màn trời chiếu đất,” buộc EU một lần nữa phải trở lại với vấn đề chính sách nhập cư.
Năm 2015, hơn 1 triệu người di cư đã tới các nước EU, khiến hệ thống an ninh và phúc lợi xã hội bị quá tải, kích động tư tưởng cực hữu và gây ra một cuộc khủng hoảng về người di cư trong châu lục.
Kể từ đó đến nay, mỗi năm EU chỉ tiếp nhận 1,5 triệu người nước ngoài tới sinh sống và làm việc và số người nhập cư trái phép vào EU đã giảm xuống còn 140.000 người/năm. Tuy nhiên, các nước hiện vẫn chia rẽ sâu sắc về vấn đề này./.