Bồi bổ 'mạch máu' công nghiệp văn hóa để đóng góp vào nền kinh tế

Nhiều chuyên gia cho hay công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam cần thích ứng cao trước những biến đổi vũ bão của kỷ nguyên số để có thể đóng góp tích cực cho nền kinh tế quốc gia.
Bồi bổ 'mạch máu' công nghiệp văn hóa để đóng góp vào nền kinh tế ảnh 1Việt Nam có nền văn hóa nghệ thuật đậm đà bản sắc, là nguyên liệu cho công nghiệp văn hóa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong kỷ nguyên số, các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam đang có nhiều cơ hội vươn lên đóng góp cho sự tăng trưởng về kinh tế và ổn định xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều thách thức, tác động tiêu cực đến quyền lợi và sinh kế của những người thực hành văn hóa.

Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số” do Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Netflix tổ chức tại Hà Nội, ngày 23/8.

Ngành công nghiệp đang thất thu nghìn tỷ đồng

Theo Tiến sỹ Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), sự đột phá của công nghệ số mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo, đảm bảo sự tiếp cận dân chủ cho tất cả mọi người.

“Cuộc Cách mạng 4.0 với sự phát triển của công nghệ số, kết nối toàn cầu đã tác động mạnh mẽ đến toàn bộ đời sống kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo nói riêng,” Tiến sỹ Nguyễn Phương Hòa nói.

Theo bà Hòa, việc chuyển đổi số, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều thách thức như vấn đề bản quyền tác giả; mất an toàn, an ninh mạng; sự thống trị của văn hoá từ các nước phát triển lấn át tiếng nói của các nước đang phát triển, đe doạ sự đa dạng văn hoá… tác động trực tiếp đến quyền và sinh kế của những người thực hành văn hóa, nhà sáng tạo.

Bồi bổ 'mạch máu' công nghiệp văn hóa để đóng góp vào nền kinh tế ảnh 2Tiến sỹ Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cùng chung quan điểm, luật sư Phan Vũ Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law cho hay vấn đề xâm phạm bản quyền tại Việt Nam đang là vấn đề nhức nhối.

“Ví dụ, một trận bóng đá Cúp C1 hay Ngoại hạng Anh, theo nghiên cứu có hơn 500 hành vi xâm phạm, diễn ra trong 90 phút, với 90 triệu lượt xem. Nếu tính trung bình mỗi lượt xem trên hệ thống có bản quyền của VTVcab, FPT hay K+ có giá 1 USD thì chúng ta thất thu 200 tỷ đồng một trận,” ông Phan Vũ Tuấn phân tích.

Luật sư tiếp tục dẫn chứng hành vi vi phạm trên các website như phimmoi.net, mỗi tháng có hơn 80 triệu lượt views. Giả sử mỗi views là 2 USD thì con số thất thoát lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Bồi bổ 'mạch máu' công nghiệp văn hóa để đóng góp vào nền kinh tế ảnh 3Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Con số đó không gây thiệt hại cho người xem nhưng ảnh hưởng đến những người sáng tạo. Đó là số tiền nhà sản xuất, diễn viên, nhà đầu tư không thu được và không tái đầu tư cho sáng tạo,” luật sư Phan Vũ Tuấn cho hay.

Là người trực tiếp hoạt động trong công nghiệp điện ảnh, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty BHD bức xúc khi phim “Cô ba Sài Gòn” bị quay trộm và tung lên mạng, gây thiệt hại cho nhà sản xuất, đơn vị phát hành phim. Người quay trộm bị phạt 3 triệu đồng.

[Công nghiệp văn hóa và sáng tạo: Con đường bền vững để giữ gìn di sản]

“Hành vi trộm cắp một chiếc xe máy có thể bị đi tù, trong khi đó ăn trộm tài sản trí tuệ có giá hàng trăm tỷ đồng lại chỉ bị phạt 3 triệu đồng,” bà Hạnh nêu vấn đề.

Từ đó, bà Hạnh đặt câu hỏi về vị trí tài sản trí tuệ đang ở đâu trong hệ thống pháp lý.

Định giá sản phẩm công nghiệp văn hóa

Theo các chuyên gia, công nghiệp văn hóa phải có sự chuyển đổi và thích ứng bằng cách áp dụng công nghệ số, đổi mới mô hình kinh doanh, biến đổi chuỗi giá trị từ các khâu sáng tạo-sản xuất-phổ biến-tiêu thụ.

Đại diện Công ty BHD cho rằng việc quan trọng, cần làm sớm nhất là Nhà nước cần có hệ thống quy định pháp luật, coi sản phẩm của công nghiệp văn hóa (phim, ảnh, tác phẩm hội họa…) là tài sản trí tuệ, được định giá, có giá trị trong các giao dịch tài chính và được mọi người định hình, chấp nhận.

Quan điểm này được nhiều người tán thành.

Bồi bổ 'mạch máu' công nghiệp văn hóa để đóng góp vào nền kinh tế ảnh 4Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty BHD chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng giải pháp đầu tiên để phát triển công nghiệp văn hóa là kiện toàn thể chế, chính sách, tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về: Điện ảnh, di sản văn hóa, sở hữu trí tuệ...

Tiếp đó, bà Phương cho hay cần hoàn thiện thị trường văn hóa, xây dựng các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa…

“Chúng ta đang ở trong kỷ nguyên số toàn cầu, là một sân chơi rộng lớn với người chơi mới, thị trường mới. Do đó, Nhà nước phải vào cuộc, có những cơ chế chính sách phù hợp cho công nghiệp văn hóa,” bà Phương nói.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp văn hóa và Nghệ thuật đương đại, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cũng chỉ ra rằng cơ sở dữ liệu ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm chưa hoàn thiện, do đó, chưa bao quát được hết thực trạng cũng như sự phát triển của các lĩnh vực này.

Theo chuyên gia, từ mô hình “đường ống” truyền thống theo đó các khâu trong chuỗi sáng tạo tiếp nối nhau theo đường tuyến tính, giờ đây dưới tác động của công nghệ số, chuỗi giá trị văn hóa bị biến đổi sang mô hình “mạng lưới.”

Bồi bổ 'mạch máu' công nghiệp văn hóa để đóng góp vào nền kinh tế ảnh 5Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Bà cho rằng Nhà nước cần tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý để hình thành và vận hành thị trường mỹ thuật và nhiếp ảnh trong nước; có chính sách ưu đãi về thuế đối với cá nhân, tổ chức đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động, dự án mỹ thuật phục vụ cộng đồng và các nghệ sỹ tài năng và đặc biệt là kịp thời nghiên cứu, bổ sung những quy định tạo hành làng pháp lý đối với thị trường nghệ thuật NFT và tài sản số.

“Thực tế hiện nay cho thấy, việc thiếu vắng một hệ thống dữ liệu số (digital data) và lưu trữ số (digital archive) về văn hoá và nghệ thuật đã đặt ra những hạn chế cho nhiều ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam bởi dữ liệu đã trở thành 'mạch máu' nuôi dưỡng nền kinh tế số,” bà Hà nói.

Chuyên gia lo ngại những hạn chế này sẽ dẫn tới nguy cơ nhiều chính sách của Chính phủ, các bộ ngành được xây dựng thiếu cơ sở thực tiễn và không có khả năng dự báo chính xác các xu hướng phát triển trong lương lai hoặc thậm chí, đầu tư lệch trọng tâm, thiếu hiệu quả.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục