Bốn sự thật vẫn bị hiểu lầm về nguyên nhân gây ung thư

Một tổ chức kiểm soát ung thư độc lập của Australia đã đưa ra bốn nguyên nhân thường được cho là gây bệnh ung thư nhưng lại chưa có những bằng chứng thực sự xác nhận điều đó.
Công nhân phân loại các chai nhựa phế thải tại một cơ sở tái chế ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Danh ca người Anh Joe Jackson từng than vãn rằng dường như "mọi thứ đều gây bệnh ung thư." Những tin tức mới đây cảnh báo về thịt đỏ, thịt qua chế biến có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư ruột cũng khiến mọi người càng thêm lo lắng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đã chỉ ra rằng béo phì và thiếu vận động gây nguy cơ ung thư lớn hơn thịt đỏ và thịt qua chế biến. Mặt khác, nhiều thứ được cho là nguyên nhân gây ung thư thực tế lại không phải.

Trước việc những câu chuyện, tin đồn và những thông tin được công bố không xác thực về ung thư đang rất phổ biến, một tổ chức kiểm soát ung thư độc lập của Australia với tên gọi Hội đồng Ung thư Australia đã thành lập một trang mạng để phản bác những thông tin khiến mọi người lo ngại.

Theo tổ chức này, dưới đây là bốn nguyên nhân thường được cho là gây bệnh ung thư nhưng lại chưa có những bằng chứng thực sự xác nhận điều đó.

1. Chai nhựa

Có những thông tin cho rằng chai nhựa đang nóng, đông lạnh hay tái sử dụng sinh ra các chất hóa học có thể gây ung thư, bao gồm dioxin.

Sự thật là nước đựng trong chai nhựa không hề kém an toàn hơn nước đựng trong chai kim loại hay bất kỳ dụng cụ chứa nào khác. Chai được làm từ nhựa không hề chứa dioxin.

2. Đường

Nhiều thông tin cho rằng đường nuôi dưỡng các tế bào ung thư vì thế bạn nên tránh đường trong chế độ ăn nếu bạn đang điều trị ung thư. Sự thật là tất cả tế bào trong cơ thể đều sử dụng đường như nguồn cung cấp năng lượng. Cho nên tế bào ung thư cũng vậy.

Việc các tế bào ung thư trong thí nghiệm phát triển tốt nhờ vào đường glucose không có nghĩa là ăn đường sẽ khiến tế bào ung thư lớn nhanh hay thậm chí gây bệnh ung thư.

Vậy nên khi tránh tất cả mọi thứ có đường và ngăn chặn đường (từ các thực phẩm khác như protein và chất béo) tiếp cận các tế bào ung thư, bạn sẽ khiến các tế bào khỏe mạnh của cơ thể bị đói cùng với các tế bào ung thư.

Vì vậy, một chế độ ăn uống lành mạnh là cách tốt nhất để cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể và tránh tăng cân - nguyên nhân thực sự làm tăng nguy cơ ung thư.

3. Chất khử mùi

Thông tin cho rằng nhôm trong các sản phẩm chống tiết mồ hôi ngăn cản việc loại bỏ độc tố trong mồ hôi, điều này gây tắc nghẽn các hạnh bạch huyết và dẫn đến ung thư vú.

Sự thật là việc tiết mồ hôi giúp cơ thể loại bỏ độc tố nhưng ung thư vú bắt đầu ở vú và lan sang các bướu bạch huyết chứ không phải theo chiều ngược lại như thông tin phía trên. Không có bằng chứng cho thấy nhôm có thể dẫn đến ung thư.

Một vài báo cáo đôi khi cho rằng đã tìm thấy nhôm hay các chất khử mùi khác trong các mẫu phẩm được lấy từ các khối u vú. Tuy nhiên các báo cáo này chỉ khảo sát trên một số lượng rất nhỏ phụ nữ bị ung thư vú, và các báo cáo này cũng không bao giờ so sánh về nồng độ nhôm trong các khối u với nồng độ này trong các bộ phận khác của cơ thể, hay so sánh với những phụ nữ không bị ung thư vú.

Mặt khác, một nghiên cứu đã tiến hành khảo sát trên 1.600 phụ nữ và thấy rằng những người sử dụng chất khử mùi không có nhiều khả năng mắc bệnh ung thư hơn những người phụ nữ không sử dụng chất này.

4. Bức xạ từ lò vi sóng

Nhiều thông tin cho rằng thức ăn được làm nóng trong lò vi sóng bị nhiễm phóng xạ và khi ăn hay uống chúng, các tia bức xạ sẽ phá hủy gen trong các tế bào của cơ thể, gây ra ung thư.

Sự thật là sóng ngắn (sóng vi ba) là một dạng bức xạ nhưng chúng không được biết đến với khả năng gây ung thư. Sóng ngắn là một loại bức xạ năng lượng thấp được gọi là bức xạ không ion hóa, khác với bức xạ năng lượng cao trong tia X, loại này có thể phá hủy DNA. Trong khi lò vi ba cũng sử dụng bức xạ sóng ngắn để làm nóng thức ăn, điều này không có nghĩa chúng làm thức ăn bị nhiễm xạ.

Hãy lưu ý vào những điều sau

Giáo sư Bernard Steward, chuyên gia tư vấn khoa học thuộc Hội đồng Ung thư Australia, khuyến nghị chúng ta nên chú ý vào bốn yếu tố nguy cơ gây ung thư chủ yếu sau và tránh bị ​"phân tâm​" bởi những yếu tố khác.

Lưu ý rằng những yếu tố này có tính đặc trưng với Australia. Tuy nhiên với các nước đang phát triển, bệnh truyền nhiễm cũng là nhân tố có nguy cơ gây ung thư)


1. Hút thuốc

Hút thuốc là nguy cơ gây ung thư lớn nhất trong bốn yếu tố và được ước tính chiếm 1/3 tổng số ca ung thư. Hút thuốc không chỉ gây ung thư phổi mà còn gây ung thư ở 13 bộ phận khác trong cơ thể. Hút thuốc cũng là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

2. Béo phì

Béo phì là nguyên nhân chiếm khoảng 15% các ca mắc ung thư, trong đó nguy cơ gây ung thư vú và ruột là cao nhất. Nên kiểm soát cân nặng của bạn và cố gắng duy trì cân nặng trong phạm vi an toàn. Nếu béo phì là vấn đề của bạn, hãy gặp bác sỹ để được tư vấn và hỗ trợ cách cải thiện chế độ ăn uống và thói quen tập luyện thể thao.

3. Chất có cồn

Các ca ung thư có nguyên nhân từ rượu chiếm 4%, bao gồm các ca ung thư miệng, ung thư vòm họng, ung thư thanh quản, thực quản, ung thư ruột và ung thư vú. Những thông tin ban đầu cho rằng chỉ có nghiện rượu mới gây ra ung thư vú và điều này có thể kiểm soát được.

Tuy nhiên giáo sư Stewart cho rằng những nghiên cứu lớn hơn đang cho thấy việc uống rượu hàng ngày dù ở bất kỳ mức độ nào, dù chỉ một lần trong ngày, cũng đủ tạo nên tác động nhỏ dẫn tới ung thư vú. Để giảm nguy cơ ung thư, tốt nhất nên tránh hoặc giảm việc sử dụng chất có cồn hàng ngày.

4. Ánh nắng mặt trời

Theo giáo sư Stewart, các ca ung thư có nguyên nhân từ việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì khó có thể ước tính chính xác nhưng được cho là nhỏ hơn 4% và tất cả đều là ung thư da.

Nên tránh chủ động tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như phơi nắng, thay vào đó nên bảo vệ da bằng cách che kín hoặc sử dụng kem chống nắng khi đi dưới ánh nắng mặt trời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục