Brazil coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Đông Nam Á

Bộ trưởng Ngoại giao Brazil khẳng định Brazil coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Đông Nam Á, thể hiện qua sự quan tâm và chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Dilma Rousseff.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đón tiếp và hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Liên bang Brazil Mauro Luiz Vieira đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 26-27/7.

Sáng 27/7, tại Nhà khách Chính phủ ở Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chủ trì lễ đón và hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Mauro Luiz Vieira.

Tại cuộc hội đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chúc mừng Brazil có vai trò và vị thế ngày càng gia tăng ở khu vực và trên trường quốc tế; khẳng định Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước, và trên tinh thần đó, lãnh đạo cấp cao Việt Nam hoan nghênh Tổng thống Dilma Rousseff dự kiến thăm chính thức Việt Nam vào cuối năm nay, coi đó sẽ là sự kiện quan trọng và tạo xung lực mới, đưa mối quan hệ song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.

Bộ trưởng Mauro Luiz Vieira bày tỏ ngưỡng mộ truyền thống lịch sử và các thành tựu Đổi mới to lớn của nhân dân Việt Nam, không ngừng nâng cao vị thế của đất nước; khẳng định Brazil coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Đông Nam Á, thể hiện qua sự quan tâm và chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Dilma Rousseff.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Mauro Luiz Vieira nhất trí đánh giá quan hệ song phương thời gian qua tiếp tục đạt được những bước phát triển tích cực, nổi bật là giá trị trao đổi thương mại hai chiều năm 2014 đạt mức kỷ lục 3,35 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2013, là tiền đề thuận lợi cho mục tiêu đạt mức 10 tỷ USD vào năm 2020 hoặc cao hơn.

Tuy vậy, hai bên cho rằng hợp tác kinh tế và đầu tư song phương còn hết sức khiêm tốn, chưa phản ánh đúng quy mô và tiềm lực của mỗi nền kinh tế, cũng như tiềm năng hợp tác to lớn của Việt Nam và Brazil, nhất là trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế tạo và chế biến, năng lượng và nhiên liệu sạch, công nghệ sinh học, hàng không, xây dựng hạ tầng cơ sở...

Hai bên thống nhất thúc đẩy các Bộ, ngành hai nước sớm triển khai công tác chuẩn bị nhằm đảm bảo thành công cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Dilma Rousseff; tổ chức Khóa họp thứ 3 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Brazil về Hợp tác Kinh tế-Thương mại và Khoa học kỹ thuật tại Việt Nam trong năm 2015; xúc tiến đàm phán đi đến ký kết các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế song trùng, cũng như các văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, kỹ thuật, giáo dục, vận tải biển, du lịch nhằm từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác song phương; đồng thời, Chính phủ hai nước tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường của nhau, thiết lập quan hệ đối tác và làm ăn trực tiếp.

Về hợp tác đa phương, hai bên đánh giá cao mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai nước tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc và các cơ quan/tổ chức trực thuộc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); ngoài ra, hai nước sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp trên các lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên nước...

Nhân dịp này, Bộ trưởng Mauro Luiz Vieira khẳng định Brazil ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an/Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019; đồng thời, đề xuất hai bên sớm tiến hành một số biện pháp kỹ thuật nhằm tạo cơ sở cho việc Brazil công nhận Quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao hai nước cũng trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế cùng quan tâm; khẳng định Việt Nam và Brazil ủng hộ lẫn nhau tăng cường quan hệ hợp tác ở Đông Nam Á và Mỹ Latinh, cũng như cùng thúc đẩy phát triển hợp tác giữa hai khu vực thông qua các kênh quan hệ của ASEAN với Liên minh các Quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), cũng như trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh (FEALAC).

Hai bên chia sẻ lập trường ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục