Brazil đối mặt với cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử

Cuộc đình công quy mô lớn này đe dọa sẽ làm tê liệt hoạt động của giao thông đường bộ và đường sắt, các nhà máy và trường học trên cả nước.
Cảnh sát Brazil biểu tình trước tòa nhà Quốc hội ở Brasilia ngày 18/4. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 28/4, các tổ chức công đoàn ở Brazil đã kêu gọi công nhân tiến hành cuộc tổng đình công, dự kiến kéo dài 24 giờ, để phản đối kế hoạch của Tổng thống Michel Temer​ cắt giảm phúc lợi xã hội và làm suy yếu luật lao động.

Cuộc đình công quy mô lớn này đe dọa sẽ làm tê liệt hoạt động của giao thông đường bộ và đường sắt, các nhà máy và trường học trên cả nước.

Dự kiến, rất nhiều công nhân sẽ hưởng ứng lời kêu gọi đình công nói trên vì đa số họ hiện đang bất bình với những cải cách gây tranh cãi của Tổng thống Temer, trong đó nhiều người dân sẽ buộc phải làm việc thêm nhiều năm nữa trước khi được nghỉ hưu.

Trong khi đó, có nguồn tin cho biết cuộc đình công có thể kéo dài đến cuối tuần trước thềm Ngày Quốc tế Lao động (ngày 1/5).

[Bê bối tham nhũng cấp cao làm chao đảo chính trường Brazil]

Nếu cuộc đình công nổ ra, đây sẽ là cuộc tổng đình công đầu tiên trong hơn 2 thập kỷ qua tại nước này. Hoạt động biểu tình được dự đoán sẽ diễn ra tại nhiều thành phố lớn.

Ông Paulo da Silva​ - Chủ tịch Nghiệp đoàn Forca Sindical, cho rằng đây là cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử Brazil.

Để đối phó với những ảnh hưởng và thiệt hại không mong muốn từ cuộc tổng đình công nói trên, Chính phủ Brazil ngày 28/4 đã áp dụng các hành động cụ thể để giảm thiểu hậu quả.

Cụ thể, chính phủ tuyên bố sẽ cắt giảm lương của bất kỳ viên chức nhà nước nào tham gia cuộc đình công ngày 28/4. Chính quyền thành phố Rio và Sao Paulo​ cũng tuyên bố sẽ áp dụng quy định trên.

Ngoài ra, chính quyền Sao Paulo cho biết sẽ tăng cường lực lượng an ninh trong thành phố nhằm đối phó với mối đe dọa bạo lực từ những người biểu tình quá khích.

Trong khi đó, tại thủ đô Brasilia, ngày 27/4, cơ quan chức năng đã tiến hành bít kín cửa sổ tòa nhà Quốc hội vì lo ngại sẽ xảy ra các vụ đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình.

Văn phòng của Trưởng công tố lao động Brazil khẳng định việc tổ chức cuộc tổng đình công là quyền hợp pháp của người lao động và bất kỳ hành động trả đũa nào đối với hoạt động này đều bất hợp pháp.

Tổng thống Michel Temer đang nỗ lực cải cách hệ thống an sinh xã hội, coi đây là biện pháp cần thiết để hạn chế chi tiêu công, song người dân cho rằng những cải cách này ảnh hưởng tới cuộc sống vì họ phải nhận mức lương thấp hơn trong khi thời gian làm việc kéo dài.

Nhiều nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh gia tăng tình trạng thất nghiệp và suy thoái kinh tế, những cải cách của chính phủ sẽ càng ảnh hưởng tới người lao động, khiến lực lượng công nhân không còn được luật pháp và các tòa án lao động bảo vệ đầy đủ quyền lợi cho họ. 

Bộ Tài chính Brazil ngày 27/4 cho biết thâm hụt ngân sách của nước này đã tăng cao kỷ lục trong quý I/2017 lên 18.29 tỷ real (tương đương 5,75 tỷ USD). Đây là chỉ số thâm hụt tồi tệ nhất kể từ khi Bộ Tài chính Brazil công bố các đánh giá tài chính hồi năm 1997.

Hồi tháng 3 vừa qua, thâm hụt của Brazil đã lên tới 11,06 tỷ real (3,48 tỷ USD), tăng 40,1% so với năm trước đó. Ngoài ra, hiện có tới 13 triệu người Brazil đang thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp đang tăng cao hàng tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục