Cả nước xảy ra 372 vụ cháy làm 3 người thiệt mạng trong tháng Tư

Theo Cục Cảnh sát về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, số vụ cháy trong tháng Tư tăng 19 vụ, giảm 4 người tử vong và 3 người bị thương so với tháng 3/2024.
Hiện trường vụ cháy dãy nhà ven kênh Tàu Hủ, hẻm 124 đường Phạm Thế Hiển, phường 2, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo Cục Cảnh sát về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trong tháng Tư, toàn quốc xảy ra 372 vụ cháy, làm 3 người thiệt mạng và 2 người bị thương.

Về tài sản, ước tính sơ bộ các vụ cháy gây thiệt hại khoảng 18,69 tỷ đồng và 43,94ha rừng.

Toàn quốc cũng xảy ra 4 vụ nổ, làm chết 1 người và làm bị thương 6 người.

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xuất xuất 1.254 lượt phương tiện và 7.250 lượt cán bộ, chiến sỹ tổ chức chữa cháy 359/376 vụ cháy, nổ; hướng dẫn thoát nạn cho hàng trăm người bị mắc kẹt ra nơi an toàn, trực tiếp cứu được 7 người trong các vụ cháy, tổ chức di chuyển tài sản và cứu được tài sản trị hơn 2 tỷ đồng trong các vụ cháy.

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cũng xuất 158 lượt phương tiện và 968 lượt cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia 92 vụ cứu nạn cứu hộ; tổ chức cứu được 49 người, 43 người bị thương và tìm được 61 thi thể bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

Lực lượng tại chỗ và nhân dân dập tắt được 17 trên tổng số 376 vụ cháy, nổ.

So với tháng 3/2024, số vụ cháy tăng 19 vụ, thiệt hại về người giảm 4 người tử vong, giảm 3 người bị thương.

Hiện trường một vụ cháy xưởng may trong khu dân cư ở Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát)

Các vụ cháy vẫn chủ yếu xảy ra tại địa bàn thành thị với 218 vụ (chiếm 58,6%), nông thôn xảy ra 154 vụ (chiếm 41,4%). Về nguyên nhân xảy ra các vụ cháy, nổ, trong số 204 vụ (chiếm 54,3%) đã điều tra làm rõ nguyên nhân, có 154 vụ xảy ra do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện (chiếm 75,5%); do sơ xuất, bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 32 vụ (chiếm 15,7%); 1 vụ do sét đánh (chiếm 0,5%); 6 vụ cháy do sự cố kỹ thuật (chiếm 2,9%); 2 vụ do tự cháy (chiếm 1%) và do nguyên nhân khác 9 vụ. Lực lượng chức năng đang điều tra nguyên nhân xảy ra cháy của 172 vụ.

Đáng chú ý, trong tháng Tư chỉ xảy ra 1 vụ cháy lớn, thiệt hại về tài sản đang được thống kê; xảy ra 3 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người làm 3 người chết.

Trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ ở cơ sở rộng khắp, chất lượng, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng 2 mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy” và “Điểm chữa cháy công cộng."

Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn tham gia chữa cháy những căn nhà, xưởng gỗ bị cháy nằm ven kênh Tàu Hủ, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Lực lượng chức năng tiếp tục xử lý cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, đăng tải thông tin toàn bộ các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng; tập trung triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; tổ chức điều tra, xử lý vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy./.

Để phòng cháy, chữa cháy trong điều kiện thời tiết nắng nóng, người dân cần thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của các thiết bị; kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ như: cầu chì, công tắc, cầu dao, attomat, rơle tự đóng ngắt điện, chống quá tải, chập cháy cho đường dây dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn (dùng attomat bảo vệ có thông số phù hợp riêng cho từng phòng, cho từng thiết bị có công suất lớn như bình nóng lạnh, điều hòa…).

Người dân không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn. Phân bổ các thiết bị tiêu thụ điện trên đường dây dẫn điện để đảm bảo công suất truyền tải của dây dẫn tránh hiện tượng quá tải gây cháy; khi lắp đặt thêm thiết bị điện có công suất lớn phải lựa chọn dây dẫn cho phù hợp. Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong cùng một ổ cắm.

Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn để thoát nạn an toàn khi có cháy. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô, thùng để phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy, các thiết bị cảnh báo cháy sớm, phổ biến cho mọi người trong gia đình biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục