Tối 20/2 (theo giờ Hà Nội), các Bộ trưởng tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bắt đầu cuộc họp tại thủ đô Brussels (Bỉ) để quyết định có hay không việc gia hạn chương trình cho vay đối với Hy Lạp.
Thời điểm bắt đầu cuộc họp này phải lùi lại khoảng 1 giờ rưỡi để các bộ trưởng có thêm thời gian tìm kiếm sự thỏa hiệp. Đây là cuộc họp khẩn cấp thứ 3 của Bộ trưởng tài chính của 19 nước thành viên Eurozone trong một tuần qua xung quanh chương trình cứu trợ mới, cũng như đề nghị của Hy Lạp muốn các đối tác kéo dài thời hạn thực hiện gói cứu trợ tài chính cho nước này thêm sáu tháng mà không phải thực hiện các biện pháp khắc khổ vốn đang gây tổn thương nền kinh tế nước này.
Trước cuộc họp, Đức tuyên bố việc kéo dài chương trình cho vay đối với Hy Lạp phải kèm theo các cam kết của chính quyền Athens về thực hiện đúng theo các điều khoản đã đặt ra trong chương trình cứu trợ quốc tế mà "bộ ba" chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho Hy Lạp từ năm 2010.
Trong khi đó, từ Athens, Thủ tướng Hy Lạp bày tỏ tin tưởng đề nghị mới của nước này sẽ được chấp thuận. Ông nhấn mạnh Hy Lạp sẽ làm tất cả những gì có thể để đạt được một giải pháp có lợi cho cả hai bên, dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ các quy định của EU, cũng như xem xét nguyện vọng của cử tri Hy Lạp.
Tại Pháp, Tổng thống Francois Hollande cho rằng Hy Lạp đang ở trong Eurozone và sẽ phải tiếp tục ở lại khu vực này.
Theo dự kiến, chương trình cho vay đối với Hy Lạp sẽ hết hạn vào cuối tháng 2 này, nếu không được gia hạn, nền kinh tế Hy Lạp sẽ đứng trước nguy cơ phá sản, đồng nghĩa với khả năng nước này sẽ rút khỏi Eurozone.
Theo báo "Tấm gương" của Đức ngày 20/2, ECB đã chuẩn bị cho kịch bản Hy Lạp rời khỏi Eurozone. Báo trên dẫn các nguồn giấu tên cho biết ECB đã tiến hành thực nghiệm mô phỏng để đánh giá khả năng chống đỡ và gắn kết giữa các nước còn lại trong Eurozone khi Hy Lạp rút khỏi khu vực này.
Tuy nhiên, ECB vẫn kêu gọi Hy Lạp thực hiện kiểm soát lưu thông dòng vốn, bởi theo ngân hàng này, người dân Hy Lạp hàng ngày đang chuyển trên 1 tỷ euro ra nước ngoài.
Trong khi đó, IMF cho rằng các nước còn lại trong Eurozone vẫn có khả năng đối phó trong trường hợp Hy Lạp rời khỏi Eurozone. Theo đánh giá của IMF, việc rời khỏi Eurozone sẽ gây thiệt hại cho Hy Lạp lớn hơn rất nhiều so với việc nước này tiếp tục theo đuổi con đường cải cách theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế. /.