Các ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tiếp tục tăng ngày 24/2

Theo ghi nhận, tại tâm dịch ở Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc và Italy, số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 đều tăng cao trong ngày 24/2.
Hầu hết số ca tử vong tại Trung Quốc đều ở Vũ Hán. (Ảnh: NPR)

Theo số liệu cập nhật của Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), tính đến hết ngày 23/2, đã có 409 ca nhiễm mới và 150 ca tử vong do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Trung Quốc.

Số ca nhiễm mới tại Trung Quốc đại lục không chỉ giảm so với 648 ca trong ngày 22/2, ngày 23/2 cũng là ngày thứ 6 liên tiếp tỷ lệ khỏi bệnh và được xuất viện tính trong một ngày nhiều hơn số ca nhiễm mới. Cụ thể, 1.846 người đã được ra viện sau khi phục hồi. Theo đó, tính đến hết ngày 23/2 tổng cộng 24.734 bệnh nhân đã được xuất viện kể từ khi dịch bùng phát.

Riêng tại tỉnh Hồ Bắc ghi nhận 398 ca nhiễm mới và 149 ca tử vong trong ngày 23/2, nâng tổng số ca nhiễm tại tỉnh này lên 64.287 ca. Trung Quốc đã cách ly hoàn toàn thành phố Vũ Hán và nhiều thành phố khác trong tỉnh Hồ Bắc từ cuối tháng 1 vừa qua. Hầu hết số ca tử vong đều ở Vũ Hán.

Trong một diễn biến khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã quyết định hoãn kỳ họp Quốc hội thường niên dự kiến diễn ra ngày 5/3 tới, do đất nước đang nỗ lực đấu tranh chống dịch COVID-19.

Cũng trong ngày 23/2, 4 tỉnh ở Trung Quốc gồm Vân Nam, Quảng Đông, Sơn Tây và Quý Châu đã hạ mức tình trạng khẩn cấp y tế với dịch COVID-19. Cụ thể, cơ quan y tế tỉnh Vân Nam và Quý Châu cho biết tỉnh này đã hạ mức tình trạng khẩn cấp y tế từ mức I xuống mức III, trong khi ủy ban y tế tỉnh Quảng Đông và Sơn Tây đã hạ xuống mức II. Trung Quốc có hệ thống ứng phó 4 bậc đối với các tình trạng khẩn cấp y tế công cộng, qua đó xác định các biện pháp cần thực hiện. Mức I là mức nghiêm trọng nhất. Tỉnh Cam Tú là địa phương đầu tiên hạ mức khẩn cấp từ ngày 21/2 vừa qua, sau đó là tỉnh Liêu Ninh.

Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Trung Quốc có chiều hướng thuyên giảm khi số ca nhiễm mới liên tiếp thấp hơn số ca được xuất viện, tình trạng lây nhiễm tại nhiều nước trên thế giới lại gia tăng mạnh. Hàn Quốc, Italy đã trở thành những tâm điểm mới của dịch COVID-19, với số ca nhiễm mới và tử vong tăng mạnh.

[Infographics] Cập nhật số ca mắc bệnh COVID-19 tại Hàn Quốc

Ngày 24/2, đã có thêm 2 ca tử vong tại Hàn Quốc do nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp tử vong tại đây lên 8 người. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng tăng lên tới 833 người, trong đó riêng khu vực thành phố Daegu và tỉnh Gyeongbuk là 681 trường hợp.

Chuyên gia Mỹ cảnh báo nguy cơ xuất hiện một “Vũ Hán mới” ở Hàn Quốc. Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, đã có 15 nước cấm hoặc siết chặt nhập cảnh từ Hàn Quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Cùng ngày, Italy cũng xác nhận ca tử vong thứ 7 do virus SARS-CoV-2 tại miền Bắc nước này. Hiện Italy bị xem là quốc gia có dịch COVID-19 bùng phát mạnh nhất tại châu Âu, với tâm điểm là vùng Lombardy và Veneto, và tổng số ca nhiễm bệnh đã vượt quá 220 người.

Tại Trung Đông, Iran là nước có số ca tử vong cao nhất, với 12 ca tử vong và 61 trường hợp được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2. Hầu hết các ca nhiễm bệnh đều ở thành phố Qom, thánh địa của người Hồi giáo dòng Shi'ite, cách thủ đô Tehran 120 km về phía Nam.

Cùng với sự gia tăng nhanh tại nhiều nước trên thế giới, Iraq, Afghanistan, Bahrain, Kuwait và Oman cũng đã thông báo về trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên ở những nước này.

Mặc dù vậy, WHO vẫn chưa công bố đại dịch toàn cầu. Phát ngôn viên của WHO, ông Tarik Jasarevic ngày 24/2 cho biết do không còn quy trình tuyên bố đại dịch toàn cầu, nên dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát hiện nay vẫn là tình trạng khẩn khẩn cấp y tế toàn cầu.

Theo ông Tarik, hiện nay không có cấp độ chính thức cho đại dịch và WHO cũng không sử dụng hệ thống phân cấp cũ mà một số người có thể quen thuộc từ năm 2009-thời điểm tổ chức y tế toàn cầu này tuyên bố đại dịch cúm lợn virus H1N1 bùng phát. Theo Quy định Y tế Quốc tế (IHR), WHO chỉ tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng khi quan ngại bao trùm toàn thế giới.

Trong khi đó, Iran thông báo nước này đã tự sản xuất được bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Bộ Quốc phòng Iran cho biết các chuyên gia và nhà khoa học của cơ quan này xác nhận bộ xét nghiệm virus SARS - CoV-2 phiên bản đầu tiên được sản xuất trong nước. Thiết bị này dùng để xét nghiệm, chẩn đoán các trường hợp bệnh nhân nghi nhiễm bệnh COVID-19. Iran đã bắt đầu sản xuất đại trà bộ xét nghiệm virus sau khi trải qua tất cả các quy trình kiểm nghiệm và thẩm định cần thiết về độ chính xác.

Quốc gia Trung Đông này hiện có nguồn nhân lực trình độ cao và là nước dẫn đầu trong khu vực về phát triển khoa học và y tế. Iran cũng là một trong 5 nước đứng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động đến giá dầu mỏ và thị trường chứng khoán thế giới. Ngày 24/2, giá dầu mỏ thế giới đã giảm hơn 4% khi các nhà buôn lo ngại dịch bệnh COVID-19, khởi phát tại Trung Quốc, lây lan sang nhiều nước sẽ tác động đến nhu cầu năng lượng toàn cầu. Giá dầu Brent Biển Bắc tại London và dầu West Texas Intermediate tại thị trường New York giảm lần lượt là 4,1 và 4% so với phiên giao dịch cuối tuần trước - ngày 21/2.

Diễn biến khó lường tại Italy, Hàn Quốc, Nhật Bản và Iran cũng khiến giá cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán châu Âu trong phiên giao dịch ngày 24/2 giảm mạnh nhất kể từ giữa năm 2016. Tại thị trường chứng khoán Milan, giá cổ phiếu giảm hơn 4,5% sau khi Italy thông báo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại khu vực miền Bắc nước này tăng mạnh. Tại sàn giao dịch Frankfurt (Đức) và Paris (Pháp), giá cổ phiếu giảm hơn 3,5%. Tại sàn FTSE của London (Anh), giá cổ phiếu giảm 3,3%, gây thiệt hại ít nhất 400 tỷ USD giá trị thị trường chỉ trong vài giờ. Giá vàng châu Á cũng gần chạm ngưỡng cao nhất trong 7 năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục