Ngày 3/1, các chính đảng ở Đức đã nhất trí thành lập một uỷ ban của Quốc hội để điều tra việc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) tiến hành do thám tại quốc gia châu Âu này.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ uỷ ban trên có mời cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden làm nhân chứng hay không.
Kế hoạch trên được nêu ra từ lâu, song Thủ tướng Angela Merkel còn do dự vì quan ngại việc lập một uỷ ban như vậy có thể gây căng thẳng cho quan hệ với đồng minh Mỹ.
Tuy nhiên, trước sức ép của các chính đảng đối lập, lãnh đạo điều hành nhóm nghị sĩ thuộc đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU), ông Michael Grosse-Brömer đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch này.
Trước đó, đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) và Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong liên minh cầm quyền cũng đã lên tiếng ủng hộ đề nghị này.
Cho tới nay, vụ bê bối theo dõi và nghe lén của NSA chủ yếu mới bị giới truyền thông quốc tế chỉ trích với một số ít nhà báo được tiếp cận với các nguồn thông tin do Snowden tiết lộ.
Khi Quốc hội Đức vào cuộc, uỷ ban điều tra tại cơ quan lập pháp này sẽ có quyền thu thập các chứng cứ liên quan đến NSA từ các cơ quan tình báo Đức.
Nhiều chính khách đối lập ở Đức đã kêu gọi đảm bảo an toàn cho Snowden để người này tới Đức phục vụ công tác điều tra, trong khi các phụ tá của bà Merkel cho rằng các nhà điều tra có thể tới Moskva để lấy lời khai của Snowden thay vì mời ông này tới Đức.
Tuy nhiên, cho tới nay, Thủ tướng Merkel vẫn bác bỏ phương án cho cựu nhân viên CIA được tị nạn ở Đức.
Việc CDU cùng SPD và CSU "bật đèn xanh" để thành lập uỷ ban điều tra nêu ở trên cho thấy đảng cầm quyền của Thủ tướng Merkel đã giữ cam kết tôn trọng ý kiến hợp lý của phe đối lập vốn chiếm 127/631 ghế trong Quốc hội nước này./.