Các địa phương nỗ lực thu hút và giữ chân giáo viên mầm non

Áp lực công việc lớn, thu nhập thấp, chế độ chính sách chưa thỏa đáng… là những nguyên nhân chính khiến giáo viên bỏ nghề, đồng thời không thu hút được người mới vào ngành.
Các địa phương nỗ lực thu hút và giữ chân giáo viên mầm non ảnh 1Năm học 2022-2023, cả nước thiếu trên 51.300 giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu giáo viên mầm non là tình trạng đã tồn tại nhiều năm nay ở hầu hết các địa phương trong cả nước.

Áp lực công việc lớn, thu nhập thấp, chế độ chính sách chưa thỏa đáng… là những nguyên nhân chính khiến giáo viên bỏ nghề, đồng thời không thu hút được người mới vào ngành.

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương đang nỗ lực với nhiều giải pháp khác nhau để giải quyết vấn đề này.

Cả nước thiếu trên 51.300 giáo viên mầm non công lập

Trường Mầm non Hoa Sen là trường mầm non duy nhất của tỉnh Nghệ An trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo. Đây cũng là ngôi trường có truyền thống, được xem là trường công có chất lượng hàng đầu của tỉnh. Trong 3 năm gần đây, trường đã nhận được 3 lá đơn xin nghỉ việc.

Cô Nguyễn Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen, bày tỏ lo ngại với cơ chế như hiện nay thì những năm tới, số lượng giáo viên nghỉ việc sẽ còn gia tăng. Theo cô Vân, thu nhập và áp lực công việc là nguyên nhân chính khiến giáo viên quyết định bỏ việc.

Tình trạng này cũng xảy ra tại Trường Mầm non Hưng Dũng 2 (thành phố Vinh, Nghệ An), khi chỉ còn 1 tháng nữa bước vào năm học mới nhưng cùng lúc 3 giáo viên xin nghỉ việc.

Cô Nguyễn Thị Bích Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Dũng 2, chia sẻ hiện nay tình trạng các trường thiếu giáo viên trầm trọng cũng khiến cho lượng công việc của giáo viên tăng gấp đôi, áp lực nhiều hơn nhưng số tiền được chi trả thêm lại không đáng là bao.

Theo quy định, các trường được bố trí 1,7 giáo viên/lớp. Nhưng trên thực tế, nhiều lớp chỉ có 1,5 giáo viên và giáo viên đang phải làm việc quá tải từ sáng sớm đến chiều muộn. Điều này không chỉ vất vả cho giáo viên mà còn dẫn đến nhiều nguy cơ mất an toàn.

Nghệ An chỉ là một trong số hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đang thiếu trầm trọng giáo viên bậc mầm non, trong khi số lượng và tỷ lệ huy động trẻ em đến trường đều tăng mạnh.

Năm học 2022-2023, trên toàn quốc cấp học giáo dục mầm non có 15.334 trường, trong đó có 3.224 trường mầm non ngoài công lập (tỷ lệ hơn 21%).

Để đáp ứng yêu cầu giáo viên mầm non, các địa phương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng đội ngũ, rà soát, ban hành các giải pháp bổ sung đội ngũ đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Tổng số đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có 537.953 người. Tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,86 (tăng 0,02).

Các địa phương nỗ lực thu hút và giữ chân giáo viên mầm non ảnh 2(Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tuy nhiên, theo báo cáo từ các địa phương, năm học 2022-2023, cả nước thiếu trên 51.300 giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Đội ngũ thiếu dẫn đến áp lực đối với giáo viên, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, hạn chế trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Tiền lương, tiền công, chính sách của giáo viên mầm non rất thấp.

Chia sẻ về thực trạng giáo dục mầm non tại địa phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An Nguyễn Hồng Phúc cho biết năm học 2022-2023, toàn tỉnh Long An còn thiếu 1.365 giáo viên, trong đó cấp mầm non thiếu 273 giáo viên.

Tỷ lệ bố trí giáo viên/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức biên chế giáo viên theo quy định. Dự báo đến năm 2025, số lượng giáo viên cần bổ sung là 2.314 người.

Tỉnh Long An đã triển khai một số giải pháp như thực hiện quy trình tiếp nhận viên chức, xây dựng kế hoạch tuyển dụng bổ sung viên chức; thực hiện ký hợp đồng dưới 12 tháng với giáo viên; thực hiện đặt hàng đào tạo theo Nghị định 116 đến năm 2025 là 4.300 giáo viên các cấp học.

Đồng thời, tỉnh cũng thực hiện kịp thời, đầy đủ chế độ chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý như thực hiện nâng bậc lương thường xuyên, nâng lương trước hạn, phụ cấp thâm niên vượt khung; chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo…

[Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, khó khăn trong tuyển dụng]

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, cũng chia sẻ toàn tỉnh có 438 trường mầm non, trường mẫu giáo (trong đó có 118 trường công lập, 320 trường tư thục), 628 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục và 131 nhóm trẻ có quy mô dưới 7 trẻ. Tổng số trẻ là 122.579 trẻ/4.721 nhóm-lớp.

Tỉnh đã có chính sách hỗ trợ như giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp, được hỗ trợ 800.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, mức hỗ trợ và lương chi trả chưa đáp ứng được thù lao, công sức và sự vất vả của giáo viên nên việc thu hút nguồn nhân lực đầu vào đối với giáo dục mầm non gặp nhiều khó khăn.

Giải bài toán thu hút giáo viên

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non được tổ chức mới đây, vấn đề được nhiều địa phương quan tâm và tập trung trao đổi, thảo luận là tiếp tục phải giải bài toán thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến chế độ làm việc, chính sách tiền lương cho đội ngũ giáo dục mầm non nhằm thu hút, khuyến khích học sinh học ngành sư phạm mầm non và thu hút nguồn nhân lực vào làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Từ chia sẻ về việc thiếu đội ngũ giáo viên bậc mầm non tại địa phương, bà Huỳnh Thị Thu Vân, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non-Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum, cũng đề nghị bổ sung chỉ tiêu biên chế còn thiếu cho ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Bên cạnh đó không cắt giảm 10% số lượng người làm việc cơ học trong đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên lĩnh vực giáo dục của tỉnh theo dự thảo Đề án đổi mới cơ chế quản lí, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập.

Đề cập đến việc bố trí giáo viên cho khu vực vùng sâu, vùng xa, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai đề nghị cần có chính sách cử tuyển đào tạo giáo viên mầm non đối với con em người dân tộc thiểu số địa phương nhằm tạo nguồn cho địa phương đáp ứng đủ định mức giáo viên theo quy định cho những năm tới, đặc biệt đối với cơ sở giáo dục mầm non công lập tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.

Các địa phương nỗ lực thu hút và giữ chân giáo viên mầm non ảnh 3Giáo viên mầm non ngoài công lập tham gia Hội thi "Người ươm mầm" lần 3, năm 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chia sẻ về khó khăn trong quản lý các cơ sở giáo dục mầm non độc lập, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa cho hay toàn thành phố Hà Nội hiện có 2.557 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Khó khăn là số cơ sở giáo dục mầm non độc lập phát triển nhanh, không theo quy hoạch, nhỏ lẻ, manh mún, nằm xen kẽ trong khu dân cư.

Đội ngũ giáo viên, nhân viên làm việc không ổn định. Dịch COVID-19 kéo dài, giáo viên mầm non chuyển đổi nghề nghiệp, bỏ việc, nhiều cơ sở phải dừng hoạt động. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 và tỷ lệ tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên, nhân viên còn thấp.

Trước thực trạng trên, bà Trần Lưu Hoa kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung quy trình, thủ tục chuyển đổi chủ nhóm trẻ, chuyển đổi địa điểm tổ chức hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Đồng thời, tiếp tục có giải pháp để thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên mầm non, bởi hiện nay giáo viên mầm non khó khăn về mọi mặt nên thu hút vào ngành rất khó.

Đánh giá về giáo dục mầm non, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận tựu chung lại, giáo dục mầm non vẫn còn nguyên thách thức, với từ khóa chính là “thiếu” như thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, thiếu cơ sở vật chất, thiếu nhiều thứ…

Phân tích vì sao dẫn tới những cái thiếu này, Bộ trưởng cho rằng “có lẽ là thiếu vĩ mô, thiếu sự quan tâm đầy đủ ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương. Nơi quan tâm nhưng lực bất tòng tâm, nơi có điều kiện thì tâm bất tòng lực."

Từ phân tích này, Bộ trưởng khẳng định cần thống nhất điều chỉnh về tư tưởng đối với giáo dục mầm non trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Những người làm giáo dục mầm non cần kiến nghị nhiều hơn nữa, tham mưu nhiều hơn nữa để khối giáo dục mầm non được quan tâm hơn.

Với Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian tới sẽ đẩy mạnh chỉ đạo, quan tâm tới sự phát triển của giáo dục mầm non trên mọi phương diện, coi là trọng tâm trong điều chỉnh chính sách ở tầm vĩ mô.

“Chúng ta đã có nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục mầm non rồi nhưng phải cả xã hội cùng nhận thức," chia sẻ điều này, Bộ trưởng đề cập tới ứng xử hiện nay với bậc học mầm non - khi đây là bậc học hình thành nhân cách, tinh thần, tình cảm của mỗi con người, nhưng lại là bậc học có tỷ lệ kiên cố trường lớp thấp nhất, đời sống giáo viên thấp nhất. Lẽ ra đây phải là bậc học được quan tâm đầu tư nhất nhưng lại đang đẩy mạnh xã hội hoá nhất.

“Không thể dùng xã hội hóa để thay cho nhà nước đầu tư đối với bậc học mầm non. Cần phải cả hai để tăng cường phát triển giáo dục mầm non mới là sự quan tâm đúng," Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục