Các ngân hàng lớn đang đối mặt với vụ kiện tập thể tại Anh

Các ngân hàng Barclays, JP Morgan, RBS, UBS và Citigroup đang đối mặt với vụ kiện tập thể tại Anh do các cáo buộc thao túng các thị trường ngoại hối toàn cầu.
(Nguồn: Barclays)

Các ngân hàng Barclays, JP Morgan, RBS, UBS và Citigroup đang đối mặt với vụ kiện tập thể tại Anh do các cáo buộc thao túng các thị trường ngoại hối toàn cầu.

Theo hãng luật Scott + Scott của Mỹ, các nhà đầu tư đã nộp đơn đòi bồi thường lên Tòa phúc thẩm về cạnh tranh (CAT) với số tiền ước tính hơn 1 tỷ bảng (1,24 tỷ USD).

Vụ kiện trên do cựu Chủ tịch cơ quan quản lý lương hưu Pensions Regulator của Anh, Michael O'Higgins, dẫn đầu và do tập đoàn hỗ trợ tài chính cho các vụ kiện Therium tài trợ.

Ông O'Higgins cho biết tổng số tiền đòi bồi thường sẽ tùy thuộc vào số giao dịch ngoại hối được thực hiện tại London cho các chi nhánh của các ngân hàng tại Anh và tác động tương ứng của việc ấn định tỷ giá đối với các chi nhánh này. Theo ông, do quy mô của thị trường ngoại hối của London, tổng số tiền có thể là trên 1 tỷ bảng.

Một số ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới đã nộp phạt tổng cộng hơn 11 tỷ USD để giải quyết các các buộc thao túng các thị trường tiền tệ tại Mỹ, Anh và châu Âu.

[Ngân hàng Anh: Khách hàng doanh nghiệp trì hoãn quyết định đầu tư]

Sau thành công của các vụ kiện tập thể tại Mỹ nhằm vào các ngân hàng như Goldman Sachs, HSBC và Barclays, mà theo đó các ngân hàng này đã phải nộp phạt 2,3 tỷ USD cho các nhà đầu tư lớn, các vụ kiện theo hình thức này có thể sẽ được áp dụng tại Anh.

Đạo luật về quyền lợi của người tiêu dùng Anh năm 2015 bao gồm quyền tiến hành các vụ kiện tập thể lựa chọn không tham gia đối với các vi phạm quy định về cạnh tranh tại Anh và Liên minh châu Âu (EU).

Trong các trường hợp vi phạm, các thành viên tại Anh của một nhóm cụ thể sẽ tự động tham gia vào một vụ kiện trừ phi họ từ chối, trong khi các nguyên đơn ở nước ngoài sẽ phải chủ động đăng ký.

Cơ chế này được đưa ra nhằm thiết lập một lộ trình hiệu quả để đòi bồi thường cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp là nạn nhân của hành vi vi phạm luật cạnh tranh.

Hồi tháng Năm, EU đã phạt năm ngân hàng tổng cộng 1,07 tỷ euro (1,19 tỷ USD) do việc ấn định tỷ giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục