Các nhà khoa học Thụy Điển tin rằng đã tìm ra bí quyết về cách thức mới thân thiện với môi trường để tiêu diệt loài muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét.
Những con muỗi đã được nuôi trong một phòng thí nghiệm ở Thụy Điển bằng nước củ dền có pha chất độc. Theo các chuyên gia, chúng bị "lừa" uống dung dịch có pha độc, trong đó có nhiều tế bào khiến loài muỗi cảm thấy “ngon miệng.”
Bà Noushin Emami - một nhà sinh vật học thuộc Đại học Stockholm cho biết nếu thêm tế bào này vào bất kỳ dung dịch nào khác, sẽ làm cho dung dịch đó trở nên "rất ngon lành" đối với muỗi. Bà đồng thời nhấn mạnh rằng những tế bào này không độc hại với con người và môi trường, hơn nữa lại rất dễ kiếm.
[GAVI duyệt 155 triệu USD triển khai vaccine ngừa sốt rét ở châu Phi]
Trước đó, vào năm 2017, bà Emami và các đồng nghiệp đã phát hiện ra điều này là do một phân tử được gọi là HMBPP, được giải phóng dưới dạng ký sinh trùng gây bệnh sốt rét, tấn công các tế bào hồng cầu của cơ thể.
Có bằng chứng cho thấy thuốc trừ sâu ngày càng kém hiệu quả trong tiêu diệt muỗi. Gần 80 quốc gia đã báo cáo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng muỗi có biểu hiện kháng ít nhất một trong 4 loại thuốc trừ sâu thường được sử dụng từ năm 2010-2019.
WHO cho biết trong năm 2020 thế giới có 241 triệu ca mắc bệnh sốt rét (so với 219 triệu ca trong năm 2019), trong đó có khoảng 627.000 ca tử vong. Có tới 96% tổng số ca tử vong ghi nhận tại châu Phi, với 80% là trẻ em dưới 5 tuổi./.