Các nhà khoa học tìm cách cải thiện an ninh lương thực

An ninh lương thực đang ngày càng trở nên quan trọng do dân số tăng, thiên tai diễn biến phức tạp, giá cả biến động khó lường...
Nông dân Ấn Độ thu hoạch trên cánh đồng lúa mỳ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tại hội nghị chuyên đề quốc tế người đứng đầu Hội đồng nghiên cứu châu Á (ASIAHORC) lần thứ 5 do Viện Khoa học Indonesia (LIPI) tổ chức vừa diễn ra tại Bali, Indonesia, các nhà khoa học và sản xuất đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã tập trung trao đổi ý tưởng, khái niệm và các biện pháp thực hành trong khoa học thực phẩm.

Phóng viên TTXVN tại Jakarta cho biết tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận về năm chuyên đề về tài nguyên sinh học cho thực phẩm, thực phẩm chức năng, công nghệ xử lý sinh học, kỹ thuật thực phẩm và chính sách khoa học thực phẩm.

Theo các đại biểu, các chuyên gia trong ngành ở châu Á cần tăng cường hợp tác, xây dựng các chính sách rõ ràng và đưa ra giải pháp đảm bảo an ninh lương thực thông qua việc đổi mới và ứng dụng công nghệ thực phẩm trong thế kỷ 21, một thế kỷ đặc trưng bởi sự phát triển kinh tế nhanh chóng, dân số gia tăng và thay đổi xã hội sâu sắc.

Trước đó, phát biểu tại lễ khai mạc trong vai trò chủ trì hội nghị, Viện trưởng Viện Khoa học Indonesia Lukman Hakim nhấn mạnh rằng vấn đề an ninh lương thực đang ngày càng trở nên quan trọng do dân số tăng, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng, thiên tai diễn biến phức tạp, giá cả biến động khó lường, tài nguyên thiên nhiên hạn chế và nhân khẩu học luôn thay đổi.

Theo con số ước tính, dân số thế giới sẽ lên tới 10 tỷ người vào giữa thế kỷ này trong khi sản lượng lương thực chỉ đủ để nuôi 7 tỷ.

Trước thực tế đó, khoa học thực phẩm sẽ là một trong những chìa khóa hữu hiệu giúp giải quyết các vấn đề về an ninh lương thực. Nhưng để làm được điều đó, các chính phủ cần hỗ trợ cộng đồng khoa học đẩy mạnh các nỗ lực sáng tạo trong việc đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững, phát triển các mặt hàng thay thế lương thực, thực phẩm; cải tiến công nghệ xử lý sinh học và các công nghệ trong lĩnh vực chế biến thực phẩm.

Cũng theo ông Lukman Hakim, trong vài thập kỷ qua, an ninh lương thực đã trở thành vấn đề cấp bách trên toàn cầu khi có tới trên 800 triệu người không có đủ lương thực, hơn 3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết mỗi năm vì suy dinh dưỡng và 25% trẻ em bị còi cọc.

Châu Á chiếm phần lớn trong số này với 500 triệu người thiếu ăn và 80% số trẻ còi cọc.

Những con số này đang thôi thúc chính phủ các nước đưa ra những đột phá trong giải pháp thay thế thực phẩm, đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững và ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến trong ngành công nghiệp thực phẩm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục