Các nhà lãnh đạo thế giới chỉ trích thái độ kỳ thị người Trung Quốc

Có rất nhiều báo cáo về tình trạng kỳ thị người Trung Quốc tại Italy kể từ khi nhà chức trách nước này công bố bùng phát dịch 2019-nCoV hồi tháng trước và ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về y tế.
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt cho người dân tại thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trước thái độ kỳ thị người Trung Quốc liên quan tới dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã lên tiếng chỉ trích những người có hành vi đáng xấu hổ này.

Ngày 6/2, Tổng thống Italy Sergio Mattarella và Thủ tướng Giuseppe Conte đã kêu gọi người dân xóa bỏ thái độ kỳ thị với các công dân Trung Quốc.

Một đoạn video đăng tải trên trang web chính thức của Dinh Tổng thống Quirinal Palace cho thấy trong chuyến thăm đột xuất một trường học tại khu Esquilino ở thủ đô Rome, nơi tập trung đông người nhập cư, Tổng thống Mattarella đã bắt tay nhiều học sinh. Tổng thống Mattarella cũng nhấn mạnh "Tình hữu nghị và hòa bình là điều quan trọng."

[Nhiều chuyến bay tới Trung Quốc bị đình chỉ, các nước sơ tán công dân]

Cùng ngày, lên án các hiện tượng kỳ thị người Trung Quốc tại Italy, Thủ tướng Conte đã chỉ trích hành vi "công kích những người yếu thế nhất - họ có thể là một người đàn ông, một phụ nữ, người tàn tật, người cao tuổi hoặc là công dân Trung Quốc."

Ông Mattarella nhấn mạnh các thông tin chưa chính xác khiến những người có các hành vi kỳ thị nói trên trở nên đáng hổ thẹn, bởi không có nguy cơ nhiễm 2019-nCoV liên quan tới yếu tố sắc tộc.

Có rất nhiều báo cáo về tình trạng kỳ thị người Trung Quốc tại Italy kể từ khi nhà chức trách nước này công bố bùng phát dịch 2019-nCoV hồi tháng trước và ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về y tế cũng như chỉ thị ngừng tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.

Gần đây, Liên đoàn Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cho biết hàng loạt tin tức về tình hình lây lan 2019-nCoV đã gây khó khăn lớn cho các chủ cơ sở người Trung Quốc tại Italy.

[Lá thư lay động trái tim cả triệu người của cô gái Vũ Hán ở Hong Kong]

Khoảng 5.000 quán ăn của người Trung Quốc trên toàn Italy đã thất thu 70% doanh số bán hàng mỗi ngày, tương đương thiệt hại gần 2 triệu euro/ngày (2,2 triệu USD).

Trước đó, các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, cùng nhiều chuyên gia đã kêu gọi cộng đồng quốc tế xóa bỏ thái độ kỳ thị đối với một số nhóm người nhất định do tiếp nhận những thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona.

Theo Tân Hoa Xã, ngày 7/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo Italy đã nhất trí tạm thời nối lại một số chuyến bay với Trung Quốc sau khi đình chỉ hoạt động hàng không trực tiếp giữa hai nước vào tháng trước do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus 2019-nCoV diễn biến phức tạp.

Thông báo của bộ trên nêu rõ trong cuộc gặp Đại sứ Italy tại Trung Quốc Luca Ferrari một ngày trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nhấn mạnh sau khi bùng phát dịch do 2019-nCoV, quyết định đơn phương của Italy ngừng các chuyến bay đã gây bất tiện lớn cho hành khách của cả hai nước và nhiều công dân Trung Quốc hiện vẫn mắc kẹt ở Italy.

Do vậy, Bắc Kinh hối thúc phía Rome phản hồi tích cực với những lo ngại cấp bách và phù hợp của Trung Quốc, sớm hủy bỏ quyết định đình chỉ các chuyến bay.

Đại sứ Ferrari nhấn mạnh Italy chia sẻ với những bất tiện mà các công dân Trung Quốc mắc kẹt tại Italy đang đối mặt. Hiện Italy sẵn sàng nhất trí nối lại một số chuyến bay theo đề nghị của các hãng hàng không Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục