Ngày 20/1, các nhà lãnh đạo Arab đã hối thúc cộng đồng quốc tế hỗ trợ những quốc gia tiếp nhận người tị nạn Syria và thực hiện các bước đi nhằm giảm thiểu tác động từ cuộc khủng hoảng này.
Lời kêu gọi này được đưa ra trong Tuyên bố Beirus của Hội nghị thượng đỉnh phát triển kinh tế và xã hội Arab lần thứ 4 vừa bế mạc tại thủ đô Liban.
Trong tuyên bố Beirus, các nhà lãnh đạo Arab khẳng định cuộc khủng hoảng di cư tại Syria là vấn đề nhân đạo tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2, dẫn đến kinh tế suy giảm, gia tăng chi tiêu và thâm hụt, đặt gánh nặng cho nhiều lĩnh vực công, cơ sở hạ tầng cũng như tạo ra nguy cơ cho xã hội.
Các nhà lãnh đạo cũng kêu gọi thế giới cùng chia sẻ trách nhiệm để giảm thiểu tác động từ cuộc khủng hoảng và tăng cường nỗ lực để khuyến khích và tạo điều kiện cho người tị nạn được hồi hương.
[UNHCR: Hàng nghìn người dân Syria có nguy cơ phải đi lánh nạn]
Đây là lần đầu tiên các nước Arab đạt được nhất trí về việc khuyến khích người tị nạn Syria hồi hương.
Trước đó cùng ngày, tại lễ khai mạc hội nghị, Tổng thống Liban Michel Aoun đã đề xuất lập một ngân hàng tái thiết và phát triển Arab để "giúp đỡ tất cả các nước Arab bị ảnh hưởng vượt qua được sự thù địch và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế bền vững."
Hồi tháng trước, Liên hợp quốc cho biết đang có khoảng 5,6 triệu người Syria đang tị nạn tại 5 quốc gia láng giềng là Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Jordan, Ai Cập và Iraq, do tình trạng xung đột kéo dài hơn 7 năm qua ở quốc gia Trung Đông./.