Các nước cần có trách nhiệm hơn với an ninh châu Á-Thái Bình Dương

Đối thoại Shangri-La được dư luận đặc biệt quan tâm với một loạt các chủ đề thảo luận mang ý nghĩa thiết thực, góp phần thúc đẩy duy trì hòa bình, ổn định cùng sự thịnh vượng chung tại khu vực.
Quang cảnh Đối thoại Shangri-La tại Singapore. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp và thay đổi sâu sắc, Hội nghị An ninh châu Á hay còn được gọi là Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 tại Singapore, bế mạc ngày 3/6, được dư luận đặc biệt quan tâm với một loạt các chủ đề thảo luận mang ý nghĩa thiết thực, góp phần thúc đẩy duy trì hòa bình, ổn định cùng sự thịnh vượng chung tại khu vực.

Châu Á nói chung và châu Á-Thái Bình Dương nói riêng vẫn tiếp tục trở thành nơi can dự, tương tác và cạnh tranh chiến lược mạnh mẽ của các nước lớn trên thế giới. Trong khi đó, trật tự an ninh tại khu vực lại đang dần thay đổi theo diễn biến thực trạng cùng sự phân chia cán cân quyền lực trên thế giới.

Thêm vào đó là một loạt thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định và phát triển khu vực như khủng hoảng hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và các hành động đơn phương, thiếu kiềm chế của một số bên liên quan… Hàng loạt thách thức an ninh khu vực thời gian qua khiến cho yêu cầu phải đối thoại để xây dựng lòng tin và nâng cao chất lượng hợp tác an ninh khu vực trở nên đặc biệt cấp thiết.

Do đó, tại cuộc đối thoại lần này đại biểu các nước đều có chung nhận định, cần phải tăng cường đối thoại, phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm của mỗi quốc gia để cùng chung tay hóa giải thách thức, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực.

Bất chấp những bất đồng, các nước đều để ngỏ xu thế đối thoại và hợp tác để tăng cường hiểu biết lẫn nhau và xây dựng lòng tin. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết nước này sẵn sàng hợp tác xây dựng với Trung Quốc dựa trên một mối quan hệ "hướng đến những thành quả," đồng thời, Mỹ cũng tăng cường hợp tác an ninh với các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hàn Quốc đề cao vai trò của đối thoại và ngoại giao trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Có thể thấy các tiếp cận của các bên trong việc tránh đối đầu, tránh leo thang căng thẳng và phối hợp một cách xây dựng vì an ninh và trật tự chung, khiến diễn đàn năm nay có được kết quả thực chất.

Về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, mặc dù vẫn còn một số quan điểm khác biệt trong việc đề xuất duy trì áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, nhưng nhìn chung, các đại biểu tại đối thoại đều bày tỏ sự tin tưởng và lạc quan về những diễn biến tốt đẹp trong thời gian gần đây, đặc biệt là kết quả có thể đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6 tới. Tuy nhiên, mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên cũng được nhận định chắc chắn sẽ rất khó khăn và chặng đường phía trước còn khá gập ghềnh, nhất là khi các bên liên quan có lợi ích đan xen.

Chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là cấu trúc an ninh “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” đang hình thành vẫn tiếp tục là chủ đề được quan tâm, trong đó một số ý kiến cho rằng có thể Mỹ đang chủ trương thu hẹp sự hiện diện cũng như can dự tại khu vực.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã khẳng định lại cam kết của Washington tiếp tục thúc đẩy xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nơi không quốc gia nào có quyền đơn phương kiểm soát tình hình. Mỹ sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp hỗ trợ các nước để mở rộng tự do hàng hải, hàng không cũng như tăng cường tính hiệu lực của luật pháp quốc tế tại khu vực.

[Shangri-La 2018: Mỹ chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông]

Về vấn đề Biển Đông, đại diện nhiều nước tiếp tục bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng leo thang căng thẳng ở vùng biển chiến lược này, đồng thời khẳng định cần giải quyết các tranh chấp khu vực trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa trái phép tại các thực thể ở Biển Đông, cho rằng hành động trên không chỉ đi ngược lại cam kết của chính Bắc Kinh, mà còn đe dọa và tạo ra các thách thức mới đối với tình hình an ninh khu vực. Theo ông, các bên cần có hành động trên thực địa phù hợp với các cam kết và luật pháp quốc tế, mọi hành động đơn phương thiếu kiềm chế hoặc quân sự hóa đều đi ngược lại trật tự luật pháp, gây căng thẳng cho tình hình khu vực.

Một trong những sự kiện được chú ý đặc biệt tại Đối thoại Shangri-La năm nay là bài phát biểu dẫn đề của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, bởi đây là lần đầu tiên một thủ tướng Ấn Độ có bài phát biểu tại diễn đàn an ninh hàng đầu khu vực này, và cũng bởi Ấn Độ hiện giữ một vai trò quan trong trong cấu trúc an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tôn trọng luật lệ, tuân thủ các quy định và luật pháp quốc tế, đảm bảo bình đẳng cho tất cả các quốc gia, không phân biệt nước lớn hay nước nhỏ.... là những thông điệp được Thủ tướng Ấn Độ nêu bật trong lần xuất hiện tại Đối thoại Shangri-La 2018, trong đó đề cao các nguyên tắc hòa bình, hợp tác, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau…

Ấn Độ đã thể hiện quan điểm nhất quán với cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại, hợp tác với tất cả các nước, đặc biệt là với các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để xây dựng khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương hòa bình và phát triển thịnh vượng.

[Toàn văn bài phát biểu của Đại tướng Ngô Xuân Lịch tại Shangri-La 17]

Tại đối thoại, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, có bài phát biểu được nhiều quan chức quốc phòng và học giả các nước đánh giá cao, trong đó khẳng định một cách rõ ràng quan điểm của Việt Nam đối với các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế.

Trên cơ sở phân tích và đánh giá khách quan về diễn biến tình hình và các thách thức an ninh đang nổi lên tại khu vực, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, độc lập, tự chủ, tăng cường hợp tác và tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng của an ninh, hòa bình và phát triển tại khu vực cũng như trên thế giới.

Đại diện Việt Nam cũng một lần nữa nhấn mạnh nguyên tắc giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua các cơ chế đối thoại dựa trên luật pháp quốc tế; thay vì đối đầu, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc hành động đơn phương. Quan điểm này của Việt Nam được nhiều đại biểu chia sẻ. Thông qua diễn đàn, một lần nữa, Việt Nam lại đóng góp tích cực, chủ động và thể hiện trách nhiệm xây dựng của mình nhằm thiết lập một trật tự an ninh khu vực dựa trên luật pháp quốc tế.

Đối thoại Shangri-La lần này đã quy tụ số lượng đại biểu nhiều hơn, các nội dung đưa ra thảo luận cũng quan trọng và thiết thực hơn. Điều này gián tiếp cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các nước trong việc phân tích, định hình cấu trúc an ninh cũng như đề xuất các giải pháp hợp tác giải quyết các thách thức thức chung. Đã có nhiều nhận định chung và quan điểm đồng nhất được đưa ra, nhưng điều mấu chốt là các bên cần tiếp tục nỗ lực và hành xử một cách có trách nhiệm hơn nữa để cùng bảo vệ vững chắc hòa bình, ổn định và sự phồn vinh tại khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục