Các nước còn lại trong JCPOA nhóm họp về vấn đề hạt nhân Iran

Trung Quốc, Pháp, Nga, Iran, Đức và Anh - những nước còn lại trong thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, đã nhóm họp trực tuyến sau khi Iran tiếp tục đình chỉ cam kết tuân thủ JCPOA.
Phái đoàn Iran trong cuộc họp trực tuyến. (Ảnh: PressTV)

Ngày 16/12, đại diện các nước Trung Quốc, Pháp, Nga, Iran, Đức và Anh - những nước còn lại trong thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, đã nhóm họp trực tuyến dưới sự chủ trì của bà Helga Schmid - quan chức ngoại giao cấp cao của Liên minh châu Âu (EU).

Cuộc họp diễn ra sau khi Tehran thông báo kế hoạch tiếp tục đình chỉ thực hiện cam kết trong thỏa thuận có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Cuộc họp đã kéo dài 2 giờ đồng hồ, song nội dung chi tiết cuộc họp không được công bố.

Trước khi cuộc họp diễn ra, Đại sứ Nga tại các tổ chức quốc tế tại Vienna (Áo), Mikhail Ulyanov cho biết trọng tâm của cuộc họp là thảo luận về cách thức "bảo vệ thỏa thuận hạt nhân và đảm bảo việc thực thi thỏa thuận công bằng và đầy đủ."

[Iran tuyên bố sẵn sàng tái tuân thủ những cam kết hạt nhân]

Một nhà ngoại giao khác cho biết Iran đã được khuyến nghị tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và tạo không gian cho hoạt động ngoại giao. Nhà ngoại giao này thừa nhận cuộc họp này diễn ra không đúng thời điểm tốt nhất do những diễn biến khó đoán định trong khoảng từ nay đến 20/1/2021 - thời điểm ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Lâu nay, Tổng tống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Tehran sẵn sàng quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ngay khi các nước còn lại tuân thủ cam kết. Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Joe Biden thể hiện ông sẵn sàng tham gia trở lại JCPOA nhưng không công bố chi tiết chiến lược của Mỹ trong vấn đề hạt nhân của Iran.

Trong khi đó vụ ám sát nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh vào tháng trước đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.Sau cái chết của Fakhrizadeh, các nghị sĩ Iran đã thông qua một dự luật kêu gọi mở rộng hơn nữa chương trình hạt nhân của Iran và chấm dứt thanh tra cơ sở hạt nhân của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế của LHQ (IAEA). Dự luật này đã vấp phải sự phản đối của Bộ ngoại giao Iran và Tổng thống Hassan Rouhani./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục