Các nước góp vốn cho Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 21/4 đã thông qua đợt tăng vốn lịch sử cho ngân hàng này sau khi Mỹ ủng hộ gói cải cách mà theo đó hạn chế các khoản vay và tăng phí với các nước có thu nhập cao hơn như Trung Quốc.
Chủ tịch WB Jim Yong Kim nói Trung Quốc cũng như bất kỳ quốc gia có thu nhập trung bình nào đều không mong đợi việc bị tính phí cao hơn, nhưng đã nhất trí vì việc tăng nguồn vốn vay.
Ông cho rằng việc các nước nhất trí tăng vốn, cũng như tăng tỷ lệ đóng góp và quyền bỏ phiếu cho các nước là thị trường mới nổi lớn như Trung Quốc, cho thấy sự tin tưởng to lớn vào thiết chế này sau ba năm đàm phán khó khăn.
Chủ tịch Kim cho biết việc tăng vốn là cần thiết bởi khi khủng hoảng tài chính toàn cầu đã qua, WB đứng trước yêu cầu tài trợ cho việc giải quyết một loạt thách thức mới ở các nước nghèo như biến đổi khí hậu, người tị nạn, dịch bệnh.
Theo ông, trong 13 tỷ USD vốn được tăng thêm, 7,5 tỷ USD được dành cho Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển và 5,5 tỷ USD được dành cho Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), hai thể chế cho vay thuộc WB.
Ông nói việc tăng vốn sẽ cho phép WB nâng mức cho vay trung bình lên 100 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2030, từ mức 60 tỷ USD vào năm 2017 và ước tính 80 tỷ USD vào năm 2018.
[Mỹ có khả năng ủng hộ đề nghị tăng vốn của Ngân hàng Thế giới]
Các nước sẽ có 5 năm để thực hiện việc tăng vốn đóng góp, nhưng có thể xin gia hạn thêm ba năm. Lần tăng vốn gần đây nhất của WB là vào năm 2010, với việc bổ sung 5 tỷ USD vào nguồn vốn của WB và 200 triệu USD cho IFC.
Mỹ, nước đóng góp nhiều nhất cho WB, đã phản đối yêu cầu của ngân hàng này hồi tháng Mười năm ngoái và chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho rằng các thiết chế tài chính đa phương nên hạn chế cho vay với những nước đã có thể tự đáp ứng nhu cầu tài chính cho phát triển như Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết nước này ủng hộ việc tăng vốn với điều kiện phải cải cách quy định cho vay.
Trong một phát biểu trước ủy ban điều hành của WB, ông hoan nghênh việc tập trung hoạt động cho vay vào các nước nghèo hơn, khi ngân hàng này hướng tới mục tiêu phân bổ vốn vay dựa trên thu nhập và tính phí cao hơn với các nước giàu hơn.
Trong khi đó, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao cho biết, nước này ủng hộ việc tăng nguồn lực tài chính của WB, nhưng e ngại về một số thay đổi trong chính sách cấp vốn và hy vọng ban lãnh đạo WB sẽ có những cân nhắc kỹ lưỡng trong trường hợp từng nước khi thực thi các chính sách phân bổ vốn để đảm bảo không cản trở quá trình hợp tác giữa ngân hàng này với các nước thu nhập trung bình ở ngưỡng trên./.