Theo phóng viên TTXVN tại Jakatar, Ngày Quốc tế Lao động 1/5/2014 đã trở thành ngày đặc biệt đối với toàn bộ người dân Indonesia vì bắt đầu từ năm nay, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 được công nhận là ngày nghỉ lễ quốc gia ở "đất nước vạn đảo.”
Tại thủ đô Jakatar, Liên đoàn Liên minh Lao động Indonesia (KPSI) - một trong những tổ chức lớn nhất của người lao động ở quốc đảo này - đã tổ chức các cuộc mít-tinh, tuần hành và biểu tình với sự tham gia của hơn 120.000 công nhân, 10.000 giáo viên cùng hàng nghìn người lao động tại thủ đô và khoảng 20 tỉnh.
Chủ tịch KPSI Said Iqbal cho biết các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 nhằm thể hiện sự đoàn kết và đấu tranh vì công bằng, phúc lợi xã hội của công nhân và người lao động Indonesia.
Người lao động Indonesia yêu cầu tăng 30% lương tối thiểu trong năm 2015; bãi bỏ chế độ thuê tuyển hợp đồng một năm vốn có lợi cho giới chủ lao động; chấm dứt tình trạng đơn phương sa thải nhân viên; đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế, bảo hiểm hưu trí cho người lao động; và tăng lương cho giáo viên.
Cảnh sát Jakarta đã triển khai hơn 19.500 nhân viên, trong đó có khoảng 3.000 cảnh sát giao thông, để đảm bảo an ninh, trật tự tại 14 điểm ở thủ đô Jakarta có kế hoạch diễn ra mít-tinh, tuần hành trong hai ngày 1-2/5.
Đáng chú ý trong số này có Quảng trường trung tâm, sân vận động Bung Soekarno, Dinh Độc lập Merdeka, trụ sở Quốc hội, trụ sở Bộ Nhân lực và Di cư, các khu đô thị - trung tâm công nghiệp vệ tinh như Bogor, Depok, Tangerang và Bekasi.
Cùng ngày, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã có bài phát biểu trên truyền hình nhân Ngày Quốc tế Lao động 1/5, trong đó ông cam kết sẽ cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, nhất là đảm bảo an toàn lao động và bình đẳng giới.
Cũng trong ngày này, Tổng thống Italy Giorgio Napolitano đã đặt hoa trước trụ sở Cơ quan bảo hiểm quốc gia cho các thương tật lao động (INAIL) để tưởng nhớ những công nhân thiệt mạng hoặc bị thương tật do lao động trong năm qua.
Trong thông điệp gửi đến giới chủ, Tổng thống Napolitano nhấn mạnh đến tình trạng thương tật ở người lao động trong những năm qua.
Theo thống kê, trong hai tháng đầu năm nay, ở Italy có 63 công nhân thiệt mạng do tai nạn lao động, tăng 3,2% so với cùng kì năm 2013.
Trong thư ngỏ gửi tới người lao động, Thủ tướng Italy Matteo Renzi khẳng định chính phủ đang nỗ lực đảm bảo quyền lợi và gia tăng việc làm cho người lao động.
Việc chính phủ áp dụng chính sách thuế mới từ tháng 5-12/2014 theo hướng giảm 80 euro/tháng cho người có thu nhập đến 24.000 euro/năm là nhằm hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ngoài ra, Quốc hội và chính phủ Italy cũng đang xem xét thông qua gói cải cách lao động.
Trong khi đó, tại Turin - thành phố công nghiệp lớn nhất ở miền Bắc Italy, hơn 30.000 người thuộc nhiều tầng lớp đã tham gia cuộc tuần hành thường niên nhân Ngày Quốc tế Lao động.
Những người biểu tình yêu cầu chính phủ áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn để giúp họ đối phó với tình trạng thất nghiệp gia tăng do các tập đoàn lớn đang thu hẹp sản xuất và sa thải hàng loạt công nhân.
Cũng trong ngày 1/5, hơn 100.000 người đã tham gia cuộc tuần hành nhân Ngày Quốc tế Lao động tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva của Nga. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1991, cuộc tuần hành này được tổ chức tại quảng trường bên ngoài Điện Kremlin.
Dẫn đầu đoàn tuần hành là Thị trưởng Moksva Sergei Sobianin và các nhà lãnh đạo công đoàn của thành phố Moskva và Liên bang Nga.
Ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới như Bangladesh, Singapore, Malaysia, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc)..., hàng vạn người đã tuần hành kêu gọi các nhà chức trách tăng lương, giảm giờ làm và cải thiện điều kiện làm việc.
Các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 nhìn chung diễn ra hòa bình, ngoại trừ một số nơi xảy ra bạo lực cục bộ như ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nguồn tin tại chỗ cho biết cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã phải dùng vòi rồng, súng cao su và hơi cay để giải tán hàng trăm người biểu tình quá khích ở quảng trường Taksim, trung tâm thành phố Istanbul.
Khoảng 40.000 cảnh sát chống bạo động cũng đã được điều động tới một khu vực biểu tình khác ở quận Besiktas để ngăn dòng người tìm cách vượt qua các rào chắn. Nhiều người biểu tình đã bắn pháo hoa, ném chai lọ và gạch đá về phía cảnh sát.
Đụng độ đã làm í́t nhất 50 người bị thương và 138 người bị bắt giữ. Ngoài Istanbul, các hoạt động biểu tình cũng diễn ra rầm rộ ở hơn 30 tỉnh thành khác của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có thủ đô Ankara./.
(TTXVN/Vietnam+)