Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 9/12, các nhà lãnh đạo cấp cao của 6 quốc gia Arab thuộc tổ chức Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã có mặt tại Qatar để tham dự hội nghị thượng đỉnh khu vực đầu tiên của nhóm kể từ khi đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt những bất đồng xung quanh vấn đề hỗ trợ các tổ chức Hồi giáo.
Đây là lần đầu tiên đại diện của 6 thành viên GCC gặp nhau kể từ khi xuất hiện các rạn nứt trong nhóm hồi đầu năm nay liên quan việc Saudi Arabia, Bahrain và UAE triệu hồi đại sứ tại Qatar để phản đối việc Doha can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khu vực, trong đó có việc ủng hộ lượng Anh em Hồi giáo (MB) bị Ai Cập và Saudia Arabia liệt vào danh sách "tổ chức khủng bố."
Sau khi đạt được thỏa thuận hòa giải hồi tháng trước, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 35 của GCC lần này đã tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng của khu vực như tình hình an ninh tại Ai Cập, bất ổn tại Libya, Syria, cuộc chiến chống IS và tình trạng giá dầu giảm sút trong thời gian gần đây. Trong đó, Qatar và các thành viên khác đã lần đầu tiên tìm thấy tiếng nói chung sau thời gian dài khủng hoảng với việc bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền Ai Cập, quốc gia đồng minh quan trọng của Saudia Arabia và UAE.
Trong tuyên bố chung của hội nghị, các quốc gia thành viên GCC đã bày tỏ sự ủng hộ cao đối với chính quyền của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, đồng thời bày tỏ quan ngại trước tình hình an ninh bất ổn tại Yemen, nơi lực lượng phiến quân Houthi đang giành quyền kiểm soát nhiều khu vực quan trọng và đe dọa đến sự ổn định của khu vực.
Các thành viên GCC cũng nhất trí thành lập lực lượng cảnh sát khu vực (GCC-POL) đặt trụ sở tại thủ đô Abu Dhabi của UAE. Trước thềm hội nghị, Quốc vương Kuwait Sabah al-Ahmed al-Sabah đã kêu gọi thành lập một hội đồng đặc biệt nhằm thảo luận việc xây dựng một liên minh mới giữa các thành viên.
Ngoài ra, tuyên bố chung của GCC cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria theo các điều khoản đạt được tại Hội nghị quốc tế Syria năm 2012 ở Geneva (Thụy Sỹ).
Về vấn đề Libya, GGC kêu gọi các bên nhanh chóng tiến hành đối thoại và thừa nhận tính hợp pháp của kết quả bầu cử./.