Các quốc gia Đông Nam Á và chiến lược "sống chung" với COVID-19

Các quốc gia Đông Nam Á - với khả năng đối phó với dịch bệnh khác nhau đều áp dụng các chiến lược thúc đẩy kinh tế tương tự nhau, mặc dù đã có điều chỉnh cho phù hợp với các đặc điểm của từng nước.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang mạng của Hội đồng Đối ngoại Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) đã đăng bài viết cho rằng trong bối cảnh thế giới sắp kết thúc thêm một năm đại dịch nữa, mặc dù đã sản xuất ra nhiều loại vaccine ngừa COVID-19, các nước phát triển và đang phát triển vẫn tiếp tục thử nghiệm các chiến lược để thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Sự tồn tại của virus không chỉ là một yếu tố trong tình hình dịch tễ học, mà còn là một biến động đáng kể của quá trình chính trị, kinh tế, công nghệ, xã hội và quốc tế, mang tới cái nhìn mới mẻ về toàn cầu hóa, khu vực hóa, sự phát triển không đồng đều và cơ hội của châu Á trong việc thực hiện chiến lược bắt kịp đà tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia Đông Nam Á - với khả năng đối phó với dịch bệnh khác nhau - buộc phải suy nghĩ lại kế hoạch phát triển tiếp theo của mình theo những cách giống nhau bởi vì xét cho cùng, bằng cách này hay cách khác, các quốc gia này đều áp dụng các chiến lược thúc đẩy kinh tế tương tự nhau, mặc dù đã có điều chỉnh cho phù hợp với các đặc điểm cụ thể của từng quốc gia.

Câu chuyện thành công của khu vực

Thái Lan là một trong những quốc gia đầu tiên, chỉ sau Trung Quốc, ghi nhận trường hợp nhiễm COVID-19. Mặc dù có lượng khách du lịch rất lớn, mật độ dân số cao và có số lượng đáng kể người di cư bất hợp pháp - mà theo lời của Thủ tướng Prayut Chan-Ocha, đây là những lý do chính khiến dịch bệnh lây lan khắp cả nước - nhưng từ tháng 5-9/2020, chính phủ nước này vẫn giữ được tỷ lệ mắc và tử vong vì COVID-19 tương đối thấp.

Việc áp dụng giãn cách một cách nhanh chóng vào tháng 3/2020, hệ thống y tế hoạt động hiệu quả và huy động sức dân đã giúp Thái Lan trì hoãn đà tăng của dịch bệnh.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 8/2021, Thái Lan đã ghi nhận kỷ lục về sự gia tăng số ca nhiễm mới COVID-19 (hơn 20.000 trường hợp được ghi nhận) và tử vong (118 người) trong một ngày.

Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã buộc nhà chức trách nước này phải biến sân bay quốc tế của thủ đô Bangkok thành bệnh viện dã chiến, đồng thời áp dụng các biện pháp kiểm dịch mới và tuyên bố đóng cửa thủ đô.

[Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở các nước khu vực Đông Nam Á]

Việt Nam trong giai đoạn đầu của đại dịch đã được coi là một trong những ví dụ thành công nhất về cuộc chiến chống COVID-19 không chỉ ở Đông Nam Á mà còn trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 7/2021, với sự xuất hiện của làn sóng biến thể Delta từ Ấn Độ, số ca nhiễm mới ở Việt Nam đã tăng đáng kể, buộc các thành phố lớn của Việt Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó là Hà Nội cùng nhiều tỉnh thành khác phải áp đặt các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt.

Singapore cũng được coi là một trong những hình mẫu chống dịch hiệu quả và dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Cách đây không lâu, Singapore đã đề xuất khái niệm “bình thường mới,” coi COVID-19 như một căn bệnh “sẽ tiếp tục biến đổi và tồn tại trong xã hội của chúng ta.”

Tuy nhiên, theo nhận định của các tác giả của khái niệm này, việc chuyển sang chế độ “bình thường mới” chỉ có thể thành công nếu đáp ứng các điều kiện sau: tiến hành tiêm chủng, xét nghiệm diện rộng, áp dụng các biện pháp phù hợp và nâng cao trách nhiệm xã hội.

Sự xuất hiện của biến thể Delta đã khiến Singapore phải tạm hoãn thực hiện chính sách "bình thường mới" và một lần nữa phải áp dụng một loạt biện pháp phòng ngừa.

Campuchia và Lào, trong đợt dịch COVID-19 đầu tiên, cũng đã kiềm chế được sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh. Trong một thời gian dài, Lào không có ca tử vong nào vì COVID-19, hai trường hợp tử vong đầu tiên được ghi nhận vào ngày 10/5/2021.

Tại Campuchia, 1 năm sau khi đại dịch bùng phát, nước này mới ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì COVID-19. Yếu tố kìm hãm sự lây lan COVID-19 ở các quốc gia này là vị trí địa lý của họ.

Các quốc gia láng giềng gần nhất là Thái Lan và Việt Nam có nguồn lực lớn hơn, đã xây dựng quy trình chống dịch hiệu quả và đóng cửa biên giới nên có thể tạm thời ngăn chặn đà lây lan nhanh chóng của dịch bệnh trên bán đảo Đông Dương.

Tuy nhiên, trong bối cảnh làn sóng bùng phát mới do biến thể Delta, tình hình xấu đi ở cả các quốc gia láng giềng gần nhất này, Campuchia và Lào đã một lần nữa áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt, đóng cửa các doanh nghiệp và đóng cửa biên giới với Thái Lan.

Brunei cũng đang đối phó với COVID-19 khá thành công. Quốc gia này giữ được tỷ lệ mắc COVID-19 tương đối thấp trong cộng đồng và thực hiện tiêm chủng hiệu quả với tỷ lệ cao. Chính phủ áp dụng lệnh cấm công dân nước ngoài nhập cảnh, đồng thời áp dụng một số biện pháp phòng ngừa, chống lại sự lây lan của dịch bệnh.

Những khó khăn

Tình hình khó khăn nhất diễn ra ở Myanmar. Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc Thomas Andrews khi trả lời phỏng vấn tờ The Guardian (Anh) đã nói rằng Myanmar là một quốc gia siêu lây nhiễm.

Việc quân đội tiến hành đảo chính và lên nắm quyền vào tháng 2/2021, sau đó là các cuộc biểu tình phản đối... đã khiến tỷ lệ nhiễm COVID-19 gia tăng đáng kể ở Myanmar.

Quốc gia Đông Nam Á này phải đối mặt với tình trạng thiếu thiết bị y tế, thuốc, oxy và nhân viên y tế. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế-xã hội và chính trị, sự xuất hiện của biến thể Delta càng làm tăng gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này.

Indonesia, quốc gia đông dân nhất trong khu vực, vào tháng 7/2021 đã trở thành trung tâm mới của sự lây lan dịch COVID-19, vượt qua cả Brazil và Ấn Độ về số ca nhiễm mới hàng ngày.

Ngoài ra, trong nửa đầu tháng 7/2021, nước này cũng ghi nhận kỷ lục về số ca tử vong là các nhân viên y tế. Điều này đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của vaccine Sinovac (Trung Quốc), vốn được tiêm cho hầu hết các bác sỹ Indonesia. Hệ thống y tế không được chuẩn bị cho sự bùng phát nhanh chóng của biến thể Delta. Truyền thông địa phương đưa tin về tình trạng thiếu nhân viên y tế và giường bệnh, việc cung cấp oxy cho các bệnh viện bị đình trệ.

Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta cũng được ghi nhận ở các nước láng giềng như Malaysia và Philippines, và các nước này cũng nhanh chóng áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt. Cụ thể, trong bối cảnh dịch bùng phát vào tháng 1/2021, Malaysia đã ban bố tình trạng khẩn cấp, Quốc hội tạm ngừng làm việc và chỉ bắt đầu hoạt động lại từ ngày 1/8/2021.

Cũng trong thời gian này, Philippines là một trong những nước áp dụng các biện pháp cách ly dài và nghiêm ngặt nhất thế giới. Với tốc độ lây nhiễm cao (hơn 1,5 triệu người), chính phủ Philippines đã hạn chế lưu thông hàng không với Malaysia và Thái Lan, thông báo phong tỏa thủ đô và một loạt tỉnh thành, áp dụng lệnh cấm trẻ em dưới 17 tuổi ra khỏi nhà.

Vaccine là giải pháp?

Rõ ràng, tất cả 10 quốc gia Đông Nam Á - tùy thuộc vào nguồn lực, tình hình chính trị nội bộ, các chỉ số nhân khẩu học và đặc trưng văn hóa - ở các giai đoạn bùng phát dịch bệnh khác nhau đã áp dụng các chiến lược chống COVID-19 khác nhau.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Selongor, Malaysia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Kinh nghiệm của các quốc gia này cho thấy kết quả của cuộc chiến chống COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng phần lớn các nhà dịch tễ học đều đồng ý rằng điều kiện quan trọng để bình thường hóa hoàn toàn tình hình dịch bệnh trong khu vực vẫn là tiến hành tiêm chủng và xét nghiệm diện rộng cho người dân.

Nhìn chung, tình hình dịch tễ ở Đông Nam Á cho thấy các quốc gia có được kết quả tốt nhất trong cuộc chiến chống COVID-19 trong năm đầu tiên là những nước áp dụng các biện pháp kịp thời, các giới hạn nghiêm ngặt và phổ biến thông tin về dịch bệnh.

Một yếu tố quan trọng trong tình hình bất ổn hiện nay là sự phối hợp giữa các cơ quan hành pháp, mức độ tin cậy cao của công chúng đối với chính phủ và các đặc điểm văn hóa.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của biến thể Delta dễ lây lan hơn, rõ ràng, hiệu quả của việc áp dụng liên tục các biện pháp kiểm dịch khác nhau đang giảm xuống và sự phục hồi kinh tế thậm chí còn chậm lại và thiếu ổn định.

Trong bối cảnh đó, Singapore - quốc gia đã tập trung nỗ lực vào việc tiêm chủng và xét nghiệm đại trà - đã cho thấy thành công rõ ràng trong cuộc chiến chống lại làn sóng lây lan COVID-19 mới và đang cố gắng gỡ bỏ dần các hạn chế để chuyển sang chế độ bình thường mới.

Campuchia, với tỷ lệ tiêm chủng cao, cũng đang từng bước tiến tới trạng thái bình thường mới. Trong khi đó, các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp như Indonesia, Myanmar, Philippines (do người dân không tin tưởng vào vaccine, lo ngại các tác dụng phụ, khó khăn trong việc bảo quản và vận chuyển vaccine, cũng như thủ tục đăng ký vaccine mất nhiều thời gian), tình hình phức tạp hơn.

Thời gian sẽ cho thấy chiến lược tiêm vaccine trong cuộc chiến chống COVID-19 sẽ thành công đến mức độ nào, song hiện giờ có thể nói rằng các quốc gia cos tỷ lệ dân số được tiêm chủng cao hơn đang kiểm soát dịch tốt hơn và giảm thiểu mức độ thiệt hại cũng như hậu quả của đại dịch.

Đại dịch và tương lai phát triển kinh tế

Những thách thức mới liên quan đến dịch COVID-19 khiến người ta phải suy nghĩ về tương lai của các ngành như vận tải, hậu cần, sản xuất lắp ráp phân đoạn, du lịch - những ngành từ lâu đã tạo nên sự phát triển năng động của Đông Nam Á.

Cuối năm ngoái, các doanh nghiệp trong khu vực đặc biệt lo ngại về tình hình bất ổn do sự phát triển của dịch bệnh, chi phí lao động tăng, hạn chế trong việc đi lại của người dân trong nước và quốc tế, nhu cầu thích ứng với các quy định thay đổi nhanh chóng do đại dịch gây ra.

Cuộc khảo sát ý kiến của đại diện các doanh nghiệp trong khu vực được thực hiện vào mùa Xuân năm 2020 cho thấy số người dự đoán thu nhập giảm chiếm tới 81%, khoảng 36% cho biết chuẩn bị tái cơ cấu doanh nghiệp của mình, 51% cho rằng do hậu quả của đại dịch, họ phải đào tạo lại nhân sự và định hướng lại các lĩnh vực hoạt động mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục