Sáng 31/1, nhân dịp Xuân Giáp Thìn năm 2024, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ tổ chức chương trình họp mặt và chúc mừng năm mới những chức sắc, chức việc tiêu biểu của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ Phạm Văn Hiểu đánh giá cao và biểu dương những đóng góp quan trọng của các vị chức sắc, chức việc và toàn thể đồng bào có đạo trong sự phát triển của thành phố thời gian qua.
Ông Phạm Văn Hiểu đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo cùng các tổ chức xã hội thành phố tiếp tục tăng cường vận động người có đạo, các chức sắc các tôn giáo tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; trân trọng, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các chức sắc, đồng bào có đạo; kịp thời, biểu dương, khen thưởng những tấm gương người tốt, việc tốt và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện chính sách tôn giáo.
Thành phố mong muốn các tổ chức tôn giáo tiếp tục phát huy đường hướng “Đạo pháp-dân tộc-chủ nghĩa xã hội;" qua đó, tiếp tục đóng góp trí tuệ, nguồn lực trong các hoạt động thiện nguyện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong thời gian tới.
Tại chương trình, lãnh đạo thành phố đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến phát biểu của các vị chức sắc, chức việc. Bày tỏ tin tưởng đối với sự lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc địa phương, đại diện các tôn giáo đánh giá cao thành tựu phát triển thành phố đạt được.
Các chức sắc, chức việc tôn giáo cam kết sẽ phát huy vai trò, tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động. Qua đó, góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp.
Cùng với nhân dân cả nước, đồng bào và chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn Cần Thơ đã phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; thực hiện ngày càng đa dạng, rộng khắp, hiệu quả các hoạt động thiện nguyện, chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn...
Qua đó, thiết thực đồng hành cùng Đảng ủy, chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo an sinh xã hội. Nhiều chức sắc, chức việc, người có đạo đã trở thành những tấm gương điển hình trong lao động, sản xuất, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của địa phương./.
Tự do tôn giáo ở Việt Nam: Giao thoa lẫn nhau và gắn kết cộng đồng
Việt Nam có 544 lễ hội tôn giáo, trong đó, nhiều lễ hội đã vượt ra khỏi nơi thờ tự, tỏa rộng ra ngoài xã hội nhờ bản tính dung hòa của người Việt và chính sách tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước.