Cách mạng Tháng Mười: Nền tảng của mối quan hệ Nga-Việt Nam

Liên bang Nga, khi xây dựng chính sách mới tại Đông Nam Á, đã xác định vai trò của Việt Nam là cánh cửa mở vào khu vực có tầm quan trọng về địa chính trị và kinh tế này.
Rạng sáng 7/11/1917, quân khởi nghĩa tấn công vào Cung điện Mùa Đông ở Petrograd, mở đầu cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Tiếp tục các hoạt động kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga và củng cố quan hệ Nga-Việt Nam, ngày 9/11, tại trụ sở Hội Lịch sử Nga ở thủ đô Moskva đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Cách mạng Nga năm 1917 và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam."

Hội thảo quy tụ các nhà khoa học hàng đầu của Liên bang Nga về lịch sử, về nghiên cứu Việt Nam và châu Á, về quan hệ Nga-Việt. Đoàn đại biểu Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ Việt Nam cũng tham dự và đọc tham luận tại hội thảo.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh mối quan hệ giữa nước Nga hiện đại và Việt Nam đầu thế kỷ 21 đã có động lực phát triển mới. Liên bang Nga, khi xây dựng chính sách mới tại Đông Nam Á, đã xác định vai trò của Việt Nam là cánh cửa mở vào khu vực có tầm quan trọng về địa chính trị và kinh tế này. Việc lật lại kinh nghiệm lịch sử trong mối quan hệ giữa Nga và các nước trên bán đảo Đông Dương, trước hết là Việt Nam, có ý nghĩa thực tiễn mới.

Những tài liệu lịch sử đưa ra tại hội thảo cho thấy vai trò của những nỗ lực đoàn kết, ngoại giao, cũng như quan hệ kinh tế trên con đường đấu tranh chung vì hòa bình mà Việt Nam và Nga cùng tiến hành kể từ nửa sau thế kỷ 20.

[Cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng Cách mạng Tháng Mười]

Phát biểu khai mạc hội thảo, tiến sỹ sử học, Giám đốc Cơ quan Lưu trữ chính trị-xã hội quốc gia Nga Andrey Sorokin chỉ rõ trong năm kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga đã diễn ra rất nhiều hoạt động tại Nga và Việt Nam, cũng như các hoạt động phối hợp Nga-Việt.

Hội thảo khoa học này, cùng với sự kiện ra mắt cuốn sách ''Liên Xô và Việt Nam trong chiến tranh Đông Dương,'' công trình nghiên cứu dày công của các nhà khoa học Nga, đã góp thêm một hoạt động có ý nghĩa vào dịp lễ trọng đại này.

Trong tham luận "Những bài học của tháng Mười với Việt Nam," phó tiến sỹ sử học-phó giáo sư Học viện Ngoại giao Bộ Ngoại giao Nga Petr Tsvetov dẫn bài báo do Hồ Chủ tịch viết năm 1967 trên tờ Pravda (Sự thật, Nga) nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười, nhấn mạnh chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút những bài học quý giá của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa do lãnh tụ V.I Lenin tiến hành đối với công cuộc giải phóng các dân tộc bị áp bức, trong đó có dân tộc Việt Nam.

Tiến sỹ Tsvetov nêu rõ nhờ vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười vào hoàn cảnh Cách mạng Việt Nam, nên dù qua giai đoạn hết sức khó khăn liên quan đến việc Liên Xô tan rã, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công không chỉ trong tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, mà còn trong công cuộc xây dựng đất nước.

So sánh với bài báo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng trên tờ Pravda hồi tháng Sáu vừa qua, tiến sỹ Tsvetov nhận định những bài học của Cách mạng Tháng Mười do Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc rút cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, bài học thứ năm về củng cố chuyên chính vô sản nay được phát triển thành củng cố hệ thống chính trị trong đó Đảng Cộng sản giữ vai trò lãnh đạo, đây cũng là bằng chứng về tính vận dụng sáng tạo dựa vào thực tiễn đất nước.

Tiến sỹ sử học Andrey Artizov cho biết sau thành công của cuốn sách ''Liên Xô và Việt Nam trong chiến tranh Đông Dương,'' giới khoa học Nga đang đề xuất tiếp tục soạn thảo sách về Hội nghị Paris với quyết định lịch sử chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Theo ông, những hoạt động nghiên cứu về lịch sử quan hệ Việt-Nga, như hội thảo này và hội thảo tới đây tại Hà Nội sau khi Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) kết thúc, chắc chắn sẽ góp phần củng cố quan hệ hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục