Campuchia: Cân bằng chính sách với Ấn Độ để độc lập với Mỹ, Trung Quốc

Campuchia coi Mỹ và Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh, do đó nước này muốn cân bằng chính sách để bị ràng buộc vào một cuộc Chiến tranh Lạnh 2.0 trong tương lai.
(Nguồn: southeastasiaglobe.com)

Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang trên nhiều mặt trận như kinh tế, quân sự, công nghệ, tình báo đã gây ra những thách thức và lo ngại đối với các nước nhỏ như Campuchia.

Một số người đã gọi những đối đầu này là Chiến tranh Lạnh 2.0. Cả hai cường quốc đều đang tìm cách tạo ra các đồng minh và phạm vi ảnh hưởng riêng do vậy khiến các quốc gia nhỏ khó duy trì sự trung lập.

Nỗ lực trung lập của Campuchia

Tiến sỹ Leng Thearith trong bài viết đăng trên trang của Viện Tầm nhìn châu Á (AVI) có trụ sở tại Singapore nhận định rằng Campuchia không muốn đứng về bên nào. Campuchia coi Mỹ và Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh, do đó nước này muốn cân bằng chính sách để bị ràng buộc vào một cuộc Chiến tranh Lạnh 2.0 trong tương lai.

Trong quan hệ với Trung Quốc, Campuchia ủng hộ đối với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) và Luật An ninh Quốc gia tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc).

Trong khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trầm trọng tại Trung Quốc hồi đầu năm 2020, Thủ tướng Campuchia Hun Sen là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc nhằm thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ đối với chính phủ và nhân dân Trung Quốc.

[Chuyên gia đánh giá về cơ hội phát triển từ FTA Campuchia-Trung Quốc]

Tuy nhiên, quan hệ thân thiết của Campuchia với Trung Quốc không phải xây dựng bằng quan hệ của Campuchia với quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ.

Với Mỹ, Phnom Penh đã nhiều lần đưa ra những hành động thiện chí đối với Washington như ủng hộ Sáng kiến Tiểu vùng Mekong của Mỹ cũng như các sáng kiến trong khu vực khác.

Trên cơ sở quan hệ song phương, Campuchia đã hỗ trợ Chương trình tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA).

Tháng 7/2019, trước quan ngại của Mỹ về các căn cứ quân sự được cho là của Trung Quốc ở Campuchia, Chính phủ Campuchia đã mời các quan sát viên nước ngoài gồm cả người Mỹ đến thăm Căn cứ Hải quân Ream là nơi Mỹ nghi ngờ có sự hiện diện của quân đội Trung Quốc.

Việc Campuchia cứu hộ tàu du lịch MS Westerdam hồi tháng 2/2020 là dấu hiệu khác cho thấy sự mong muốn khôi phục lòng tin và hợp tác với Mỹ sau nhiều năm căng thẳng ngoại giao.

Campuchia đã cho phép tàu MS Westerdam có nhiều công dân Mỹ cập cảng Sihanoukville sau khi một số quốc gia không cho con tàu này cập cảng do lo ngại khả năng lây nhiễm virus.

Tạo thế đứng cân bằng vào thời điểm đối đầu Mỹ-Trung đang gia tăng là nhiệm vụ khó khăn đối với Campuchia.

Campuchia có thể chịu nguy cơ buộc phải chọn phe như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nếu Mỹ không có chiến lược can dự mang tính xây dựng và hiệu quả.

Người ta có thể nói rằng quả bóng hiện đang ở trên phần sân của Mỹ. Campuchia có thể dễ dàng bị “trên đe dưới búa” (giữa tảng đá và sàn đất) bất cứ lúc nào.

Do đó, việc áp dụng lập trường chính sách ngoại giao không liên kết truyền thống giữa hai cường quốc đối thủ sẽ không hiệu quả, đặc biệt khi căng thẳng giữa họ đang tiếp tục gia tăng.

Về mặt này, việc chủ động thể hiện các yếu tố trung lập như quảng bá hình ảnh quốc tế yêu chuộng hòa bình, ngoại giao văn hóa, ngoại giao kinh tế và các cam kết đa phương có thể góp phần củng cố hình ảnh cho thấy Campuchia.

Những nỗ lực củng cố hình ảnh yêu chuộng hòa bình trên phạm vi quốc tế của Campuchia có thể thấy được qua những đóng góp tích cực trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Cho đến nay, Campuchia đã điều khoảng 6.000 quân nhân thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình tới 8 quốc gia ở châu Phi và Trung Đông thuộc lực lượng Liên hợp quốc.

Yếu tố thứ hai của chính sách trung lập chủ động mà Campuchia đang theo đuổi đó là thúc đẩy ngoại giao văn hóa.

Vào tháng 1/2019, Campuchia đã thành lập Hội đồng Văn hóa châu Á (ACC) nhằm mục đích tăng cường hòa bình, ổn định và phát triển thông qua hợp tác văn hóa, khoan dung, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau. Văn hóa là nền tảng cho quan hệ hòa bình của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Yếu tố thứ ba của sự trung lập chủ động đó là mở rộng triển vọng ngoại giao kinh tế.

Chính sách trung lập không thể thực hiện đầy đủ nếu Campuchia không có nền kinh tế độc lập mạnh mẽ.

Chính sách ngoại giao kinh tế gần đây đã thúc đẩy Phnom Penh tăng cường phát triển các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) với các quốc gia và khu vực khác nhau.

Vào thời điểm viết bài này, Campuchia vừa hoàn tất các cuộc đàm phán thương mại tự do với Trung Quốc và sẽ chính thức đưa ra thỏa thuận trong tháng 8/2020.

Trong khi đó, Campuchia cũng đang trong quá trình đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) khác với Hàn Quốc và đang tìm kiếm cơ hội ký kết các FTA với Nhật Bản, Australia, Vương quốc Anh, Canada và khối Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Bên cạnh nỗ lực củng cố các trụ cột ngoại giao kinh tế, văn hóa và yêu chuộng hòa bình quốc tế, Campuchia đã quyết đoán thực hiện chủ nghĩa ngoại giao đa phương trong chính sách đối ngoại.

Campuchia đã tích cực tham gia các sáng kiến khác nhau của ASEAN và cam kết đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM).

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang đe dọa khu vực, Phnom Penh đã hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng này, điển hình là kết quả tháng 4/2020, nhiều thỏa thuận, tuyên bố của ASEAN về các ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 về kinh tế, xã hội và y tế.

Ngoài ra, Campuchia đã dự kiến trở thành cầu nối giữa châu Á và châu Âu thông qua việc đăng cai tổ chức Hội nghị Á-Âu lần thứ 13 (ASEM) vào giữa năm 2021 theo phương châm “Chủ nghĩa đa biên vì Tăng trưởng chung.”

Điểm đáng chú ý là cuộc họp ASEM là sự kiện cấp cao với sự tham gia của 51 quốc gia châu Á và châu Âu, Ban Thư ký ASEAN và Liên minh châu Âu.

Mục đích chính của hội nghị nhằm thảo luận một loạt các vấn đề chính sách liên quan đến thương mại, y tế cộng đồng, địa chính trị, kết nối cơ sở hạ tầng và các vấn đề khác lợi ích chung.

Khả năng tận dụng sự trỗi dậy của Ấn Độ

Phân tích kỹ hơn về những ảnh hưởng và sự phụ thuộc của kinh tế Campuchia đối với Trung Quốc, hai tác giả Bunna Vann đang học Thạc sỹ khoa Chính trị học Đại học Jamia Millia Islamia (Ấn Độ) và Kimkong Heng, nghiên cứu sinh Đại học Queensland (Australia) đã khuyến nghị Chính phủ Campuchia về khả năng tận dụng “con bài” Ấn Độ để đa dạng hóa quan hệ, cân bằng ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị của Trung Quốc ở Campuchia cũng như ở khu vực Đông Nam Á.

Với thị trường 1,3 tỷ dân, Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ hai thế giới và dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia có dân số lớn nhất thế giới vào năm 2027. Ấn Độ rõ ràng là một thị trường tiềm năng to lớn đối với thế giới.

Hiện nay, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tính theo giá trị sức mua và là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với giá trị GDP khoảng 2.870 tỷ USD vào năm 2019.

Đến năm 2027, Ấn Độ được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới về GDP.

Tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Ấn Độ đã nổi lên như một nhân tố quan trọng trong cấu trúc an ninh khu vực.

Bên cạnh đó, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ tư của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Ấn Độ trở thành đối tác một số nước ASEAN vào năm 1992, đối tác đối thoại năm 1996, đối tác cấp cao năm 2002 và đối tác chiến lược năm 2012.

Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Ấn Độ được ký kết năm 2009 và có hiệu lực vào năm 2010. Khối lượng thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN là 142 tỷ USD vào năm 2018.

Việc nâng cấp Chính sách hướng Đông của Ấn Độ trở thành Chính sách hành động hướng Đông vào năm 2014 dưới thời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được coi là nỗ lực của Ấn Độ nhằm nâng cao vị thế cường quốc trong khu vực của nước này và cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á.

Ấn Độ cũng đặt mục tiêu cải thiện hội nhập văn hóa và kinh tế với các nước ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Về vấn đề này, ASEAN phải can dự với Ấn Độ về kinh tế và chiến lược để đảm bảo cân bằng quyền lực trong khu vực trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ và vai trò ngày càng tăng của nước này ở Đông Nam Á có lợi cho các nước trong khu vực nhất là trong bối cảnh Campuchia đang đứng trước bờ vực của cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung để giành ảnh hưởng trong khu vực.

Nền kinh tế Campuchia cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động kép của dịch bệnh COVID-19 và hậu quả việc EU đình chỉ ưu đãi thương mại theo chương trình Tất cả trừ vũ khí (EBA).

Campuchia đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Ấn Độ vào năm 1952.

Campuchia và Ấn Độ là một trong những kiến trúc sư của Phong trào không liên kết, hai nước đều theo đuổi chính sách đối ngoại trung lập trong Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Phong trào lịch sử này đã cho phép hai quốc gia tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp. Do vậy Campuchia cần xây dựng lại những liên hệ này ngay lúc này.

Trong bối cảnh hiện tại, căn cứ Chính sách hành động hướng Đông và quan hệ Ấn Độ-ASEAN, Ấn Độ coi Campuchia là đối tác quan trọng và là đối tác tốt.

Về mặt kinh tế, Ấn Độ là một trong 10 nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Campuchia, mặc dù vẫn kém xa Trung Quốc.

Năm 2016, Ấn Độ đầu tư 19,8 triệu USD vào Campuchia trong khi Trung Quốc đầu tư 3,6 tỷ USD.

Các lĩnh vực đầu tư của Ấn Độ tập trung vào nông nghiệp, năng lượng, máy móc, xây dựng và khai thác mỏ.

Thương mại Campuchia-Ấn Độ đạt giá trị 249,92 triệu USD vào năm 2019 với lượng hàng hóa xuất khẩu của Campuchia sang Ấn Độ trị giá 82,09 triệu USD và nhập khẩu từ Ấn Độ là 167,83 triệu USD.

Ngoài ra, số lượng khách du lịch Ấn Độ đến Campuchia đạt 65.882 lượt khách năm 2018 (tăng 10,6% so với năm 2018).

Tiếp đó, Ấn Độ đã và đang cung cấp nhiều hình thức viện trợ và hỗ trợ cho Campuchia. Các dự án có hiệu quả tác động nhanh đóng vai trò cốt lõi trong chương trình viện trợ của Ấn Độ dành cho Campuchia tập trung vào phát triển xã hội, trao quyền cho giới và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Xét đến vai trò của Ấn Độ ở Đông Nam Á nói chung và vai trò của nước này ở Campuchia nói riêng, Campuchia có thể hướng về phía Tây và tăng cường gắn bó với Ấn Độ.

Trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, sau khi ký kết FTA với Trung Quốc, Campuchia nên tích cực liên hệ với Ấn Độ và tìm cách ký kết FTA với người khổng lồ châu Á này.

Để gắn kết với Ấn Độ một cách có hiệu quả, Campuchia nên tạo ra môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư Ấn Độ tăng đầu tư vào Campuchia.

Tận dụng lợi thế của thị trường 1,3 tỷ dân là con đường rõ ràng phía trước đối với Campuchia đang mong muốn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sau khi EU chấm dứt một phần chương trình EBA mà Campuchia được hưởng từ năm 2001.

Khi thế giới bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư và áp dụng nền kinh tế kỹ thuật số, Campuchia cần nâng cao năng lực công nghệ của mình để luôn thích nghi và cạnh tranh trong kỷ nguyên kỹ thuật số.

Campuchia có thể hợp tác với Ấn Độ để tăng cường chuyển giao và áp dụng công nghệ vì Ấn Độ đã từ lâu đã được biết là nơi gia công phần mềm hàng đầu trên thế giới phục vụ các công ty công nghệ lớn.

Để thúc đẩy sự tương tác, Campuchia cần chủ động thu hút sự tham gia của Ấn Độ, tăng cường các hình thức hợp tác và liên kết. Campuchia có thể thẳng thắn trao đổi đề nghị Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ nhiều hơn để phát triển nguồn nhân lực.

Chính phủ Campuchia có thể đề nghị Ấn Độ thông qua Đại sứ quán Ấn Độ tại Phnom Penh cấp nhiều học bổng hơn cho sinh viên và quan chức chính phủ Campuchia.

Hiện tại hàng năm, Ấn Độ cấp khoảng 25 học bổng cho Campuchia. Con số này là thấp nếu so với khoảng 180 học bổng được Trung Quốc cấp hàng năm cho Campuchia.

Hơn nữa, do lượng khách du lịch Ấn Độ đến Campuchia vẫn còn thấp, chiếm 1,1% trong tổng số 6,2 triệu khách du lịch quốc tế đến Campuchia (số liệu năm 2018), Campuchia nên cố gắng thu hút thêm nhiều khách du lịch Ấn Độ. Có thể mở đường bay thẳng giữa hai nước.

Campuchia cũng nên cố gắng thúc đẩy du lịch văn hóa nhằm thu hút khách du lịch Ấn Độ vì hai nước đã có mối quan hệ lịch sử và văn hóa lâu đời.

Hàng ngàn người Campuchia đến thăm các địa điểm tôn giáo ở Ấn Độ mỗi năm trong khi Campuchia có ngôi đền tôn giáo lớn nhất thế giới cần phải đưa ra những cách sáng tạo để thu hút nhiều người Ấn Độ đến thăm đền Angkor Wat và các địa điểm du lịch khác.

Do nền kinh tế Campuchia đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động kép của COVID-19 và hậu quả việc EU chấm dứt ưu đãi EBA, Campuchia nên tìm đến Ấn Độ để được hỗ trợ nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Khi có hai người khổng lồ châu Á - Trung Quốc và Ấn Độ - làm bạn rõ ràng sẽ tốt hơn là “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục