Campuchia kêu gọi đoàn kết sâu rộng vì sự phục hồi kinh tế

Thủ tướng Hun Sen khẳng định điều cốt yếu là phải thúc đẩy tình đoàn kết sâu rộng trên tinh thần chủ nghĩa đa phương nhằm đảm bảo cho quá trình hồi phục kinh tế hậu đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, sáng 9/9, phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 7 theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tăng cường đoàn kết sâu rộng hướng tới phục hồi mạnh mẽ kinh tế-xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng tham dự sự kiện này. 

Trên cương vị nước chủ trì GMS lần thứ 7, Thủ tướng Hun Sen khẳng định điều cốt yếu là phải thúc đẩy tình đoàn kết sâu rộng trên tinh thần chủ nghĩa đa phương nhằm đảm bảo cho quá trình hồi phục kinh tế hậu đại dịch COVID-19.

Trên cơ sở những thành tựu tích cực đạt được trong khuôn khổ hợp tác GMS trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tăng cường kết nối khu vực, thúc đẩy sự cạnh tranh và xây dựng các cộng đồng thông qua triển khai Khung chiến lược Hợp tác Tiểu vùng sông Mekong 2022; Kế hoạch hành động Hà Nội; và Khung hợp tác đầu tư kể từ Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 năm 2018, Thủ tướng Hun Sen cho rằng sự hợp tác GMS là vô cùng cần thiết về mặt chiến lược, bởi tất cả các nước tiếp tục chung tay chuyển các khó khăn thành cơ hội cho sự phát triển của khu vực. 

Người đứng đầu Chính phủ Campuchia đặt niềm tin vào việc thông qua Khung hợp tác chiến lược Tiểu vùng sông Mekong 2030 và tuyên bố sứ mệnh của GMS tập trung vào các cộng đồng cơ bản, đi theo những nguyên tắc cốt lõi về môi trường bền vững và thích ứng linh hoạt với hội nhập, xây dựng cộng đồng GMS hướng đến tương lai chung vận mệnh sẽ là những trụ cột mạnh mẽ cho hợp tác Tiểu vùng sông Mekong, ứng phó thỏa đáng với các thách thức hiện nay, đặc biệt là phát triển kinh tế và thích ứng xã hội trong bối cảnh khu vực và toàn cầu có những thay đổi nhanh chóng.

[GMS: Thúc đẩy đối phó với những thách thức trong thập niên mới]

Ở cấp độ khu vực, Thủ tướng Hun Sen cho rằng những nước Tiểu vùng sông Mekong đã có những nỗ lực hết mình trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 thông qua những biện pháp phòng ngừa và kiềm chế dịch bệnh, cũng như hỗ trợ các hoạt động kinh tế và sinh kế của người dân.

Campuchia đã nỗ lực để triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc nhằm ứng phó với đại dịch. Tuy nhiên, làn sóng mới của đại dịch đã gây những tác động nghiêm trọng tới các lĩnh vực sản xuất dệt may, du lịch và khu vực dịch vụ khác của Campuchia. 

Thủ tướng Hun Sen cảm ơn cộng đồng quốc tế tặng vaccine cho người dân Campuchia thông qua cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). 

Thủ tướng Hun Sen đề cao tầm quan trọng của kết nối số như là trọng tâm của hợp tác khu vực nhằm bù lại những tổn thất về năng suất do cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra; đảm bảo cho sự phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững và hiệu quả.

Campuchia đề nghị hợp tác GMS tập trung vào phát triển hạ tầng số, hội nhập nền kinh tế số và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để duy trì sức cạnh tranh trong các nền kinh tế.

GMS lần thứ 7 còn có sự tham dự của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh, Chủ tịch điều hành Hội đồng Nhà nước Myanmar Min Ang Hlaing, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Masatgusu Asakawa.

Chương trình của GMS dựa vào tham vấn và đối thoại giữa các thành viên GMS, trong đó tập trung vào các dự án ưu tiên ở tiểu vùng sông Mekong mở rộng, trong các lĩnh vực như giao thông, năng lượng, viễn thông, môi trường, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, thương mại, đầu tư tư nhân và nông nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục