Theo bài viết trên trang mạng East Asia Forum, việc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai diễn ra hồi tháng Hai vừa qua tại Hà Nội đột ngột kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào khiến cộng đồng quốc tế ngạc nhiên.
Giới quan sát cảm thấy hoang mang do những thông tin về sự lạc quan quá mức của Tổng thống Trump và những suy đoán rằng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã không đến Việt Nam nếu như ông không tự tin vào thành công.
Tuy nhiên, giữa hai bên có một khoảng cách không thể vượt qua được về mục tiêu theo đuổi của quá trình phi hạt nhân hóa.
[Ngoại trưởng Pompeo: Mỹ sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Triều Tiên]
Vậy những sai lầm nào khiến hai bên không đạt được thỏa thuận đối với việc phi hạt nhân hóa và cần phải làm gì trong tương lai để thúc đẩy quá trình này?
Trong các cuộc đàm phán, ông Trump đã đề xuất một thỏa thuận lớn, đó là phi hạt nhân hóa hoàn toàn để đổi lấy việc dỡ bỏ cấm vận. Tuy nhiên, Triều Tiên được cho là đã bác bỏ thỏa thuận trên.
Rất có thể Triều Tiên không chấp nhận thỏa thuận lớn trên bởi quốc gia này, trong thời điểm hiện tại, đang cố gắng duy trì các khả năng của mình và điều này được củng cố khi một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết mặc dù Triều Tiên đã phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon, nhưng vẫn có những dấu hiệu cho thấy lò phản ứng nước nhẹ vẫn đang hoạt động.
Theo các báo cáo gần đây, Mỹ đã chỉ ra một cơ sở được giấu dưới lòng đất ở phía Tây Bắc Yongbyon và đã yêu cầu đưa cơ sở này vào các cuộc đàm phán.
Triều Tiên rõ ràng đã không lường trước được sự đề cập này của Mỹ và cho thấy Triều Tiên đã cố gắng che giấu khả năng sản xuất hạt nhân của mình.
Triều Tiên đã bày tỏ việc sẵn sàng phi hạt nhân hóa. Nhưng việc Triều Tiên không có bất kỳ đề cập rõ ràng nào đối với đầu đạn hạt nhân, vật liệu hạt nhân dự trữ và các cơ sở sản xuất vật liệu hạt nhân ngoài Yongbyon cho thấy Triều Tiên không có ý định phi hạt nhân hóa hoàn toàn, thay vào đó là hướng tới việc phi hạt nhân một phần mang tính “biểu tượng” bằng cách đóng cửa các cơ sở đã được biết đến.
Những chiến thuật “tượng trưng” này là để chứng minh rằng Triều Tiên không có ý định thù địch khi từ bỏ các khả năng sản xuất hạt nhân, nhưng không tiết lộ toàn bộ phạm vi của chương trình của họ.
Nỗ lực này nhằm khiến cho các đối tác giảm bớt quan điểm Triều Tiên là một mối đe dọa cho dù quốc gia này vẫn duy trì khả năng hạt nhân, ít nhất là cho tới thời điểm hiện nay.
Điều này nhằm mục đích thiết lập mối quan hệ tương tự như mối quan hệ đã đạt được giữa Mỹ và Liên Xô (Nga) trong và sau Chiến tranh Lạnh.
Cả Mỹ và Triều Tiên đều cho rằng sở hữu vũ khí hạt nhân là cách để đảm bảo an ninh quốc gia và chế độ của Triều Tiên. Kêu gọi sự kiểm chứng do Mỹ đứng đầu chứ không phải do IAEA đứng đầu là một dấu hiệu khác cho thấy Triều Tiên muốn đi theo con đường giống như xây dựng lòng tin giữa các quốc gia vũ trang hạt nhân vĩnh viễn.
Giữa Mỹ và Triều Tiên có khoảng cách quá lớn đối với việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt về kinh tế. Triều Tiên yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến 5 nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Điều này có nghĩa Triều Tiên chỉ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận chứ không phải dỡ bỏ hoàn toàn.
Tuy nhiên, trong yêu cầu, Triều Tiên muốn dỡ bỏ một lệnh cấm vận đối với than, một lệnh cấm vận đối với sản phẩm lọc dầu nhập khẩu, đây là những nguồn nguyên liệu vô cùng quan trọng để duy trì nền kinh tế của Triều Tiên.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với các sản phẩm trên sẽ mở đường cho các công ty Trung Quốc và Nga - những thực thể không chịu lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ - chính thức nối lại giao dịch với Triều Tiên.
Về phía Mỹ, sẽ là không tương xứng nếu đổi việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trên chỉ để đóng cửa khu hạt nhân ở Yongbyon. Mỹ muốn Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Như vậy, điều rõ ràng là hai bên khác nhau về những kỳ vọng và kết quả mà mỗi bên tìm kiếm liên quan đến các biện pháp để thực hiện phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và mức độ dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ. Điều này dẫn đến việc hai bên đã không thể đạt được một thỏa thuận trong cuộc gặp gần đây.
Cần làm gì để thúc đẩy các cuộc đàm phán trong tương lai?
Đầu tiên, hai bên cần thống nhất về định nghĩa “phi hạt nhân hóa.” Sự đổ vỡ trong cuộc gặp mới nhất đã dạy cho Triều Tiên rằng việc phát triển thành một quốc gia hạt nhân trên thực tế thông qua phi hạt nhân hóa mang tính biểu tượng đặt ra những thách thức nghiêm trọng.
Liệu Triều Tiên có thể chấp nhận việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn hay không vẫn là điều cần phải xem xét.
Và một thỏa thuận lớn một lần, dù được mong muốn thế nào, không thể được coi là một chiến lược thực tế khi đối mặt với sự cảnh giác của Triều Tiên về các rủi ro an ninh khi thực hiện việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Điều này khiến có ít sự lựa chọn, nhưng phải áp dụng cách tiếp cận từng bước theo từng giai đoạn của hình thức này hay hình thức khác.
Thứ hai, thỏa thuận cần phải bền vững về mặt chính trị. Việc thất bại của thỏa thuận giữa Mỹ với Iran năm 2015 và “Hiệp định khung” với Triều Tiên được ký năm 1994 cho thấy bất kể thỏa thuận mới nào cũng có thể bị thay đổi khi chính quyền Mỹ thay đổi và đây là rủi ro lớn nhất của các cam kết quốc tế của Mỹ.
Như vậy, Triều Tiên sẽ có ít động lực để tiến tới một thỏa thuận mà có thể bị phá vỡ sau khi Mỹ có chính quyền mới.
Bên cạnh đó, bản thân ông Kim Jong-un khi trở về nước sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội mà không đạt được thỏa thuận gì cũng sẽ trở nên cảnh giác hơn trong cuộc gặp tiếp theo với Mỹ.
Thứ ba, cần có sự cân bằng giữa yêu cầu phi hạt nhân hóa và các ưu đãi mà Triều Tiên được hưởng.
Đối với Triều Tiên, sẽ chẳng có lợi gì nếu phi hạt nhân hóa mà lại không được hưởng các ưu đãi bởi phi hạt nhân hóa chỉ làm tăng khả năng dễ bị tấn công của họ. Vì vậy, rất cần thiết để đưa ra những đảm bảo an ninh cũng như lợi ích kinh tế hữu hình cho Triều Tiên.
Tuy nhiên, việc đưa ra lợi ích cho Triều Tiên quá nhiều, hoặc ngược lại không đủ, đều gây ảnh hưởng tới quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa, do đó cần phải xây dựng kế hoạch cho việc đưa ra các lợi ích để trao đổi.
Triều Tiên phải hiểu quyết tâm của Mỹ để đạt được hoàn toàn phi hạt nhân hóa. Và họ cần nhận đủ những bồi thường về kinh tế và đảm bảo về an ninh để thúc đẩy tiến trình. Điều này không có nghĩa là sẽ bồi thường quá mức cho Triều Tiên bởi sẽ khiến quốc gia này thấy không cần phải thực hiện thêm sau bước đầu tiên.
Đây là nhiệm vụ không hề đơn giản vì Triều Tiên có nhiều thứ để mất hơn Mỹ nếu đàm phán thất bại và một quá trình khó khăn hơn đang chờ đợi họ.
Những khó khăn cố hữu trong việc tìm kiếm điểm cân bằng phù hợp cho bất kỳ thỏa thuận nào chính là Mỹ và Triều Tiên phải chuẩn bị chu đáo hơn, tiến hành các cuộc đàm phán có chuẩn bị và xúc tiến theo từng giai đoạn./.