Gần đây, nhiều nhà báo của các cơ quan báo chí khác nhau đã bị đe dọa, thu giữ phương tiện tác nghiệp, thậm chí bị côn đồ chặn đường hành hung khi đang tác nghiệp khiến dư luận xã hội không khỏi bất bình.
Nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần có nhiều biện pháp hơn nữa để bảo vệ an toàn cho nhà báo chân chính trong quá trình tác nghiệp, nhất là các nhà báo trong lĩnh vực chống tiêu cực...
Nghề nguy hiểm
Mấy ngày gần đây, làng báo Việt Nam rúng động bởi sự việc nhà báo Trương Quang Nam (phóng viên báo Thanh Niên thường trú tại Quảng Bình) đã bị gọi điện, nhắn tin đe dọa “lấy mạng.” Anh Nam là tác giả bài "Côn đồ xe quá tải lộng hành" đăng trên báo Thanh Niên ngày 28/7, phản ánh về việc xe của Công ty Trách nhiệm hữu hạn cơ khí Hải Sơn (thôn 16, xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới) có hàng chục xe đầu kéo và rơmoóc nhiều năm nay thường xuyên chở quá tải trên khắp nước, chống đối lực lượng chức năng, thậm chí làm giả hồ sơ giấy tờ... nhưng không bị xử lý tới nơi tới chốn, gây bức xúc dư luận.
Đáng nói là đây không phải lần đầu tiên nhà báo Trương Quang Nam bị dọa giết. Năm 2015 anh cũng đã bị dọa "xử" sau khi viết bài điều tra về một vụ việc tiêu cực trên địa bàn.
Trước đó, ngày 7/4, nữ nhà báo Thu Trang (Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh) cũng bị đe dọa “mua quan tài cho cả nhà” vì chị đã có loạt bài điều tra “Thâm nhập lò gạch “thổ phỉ” ở Hà Nội” phanh phui thực trạng nhiều lò gạch hoạt động trái phép, trốn thuế, dưới sự làm ngơ của những người có trách nhiệm.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng của Báo Lao Động cũng bị 3 đối tượng cầm gậy chặn đường hành hung khi đang trên đường đi làm việc.
Đây chỉ là 3 trong số nhiều vụ đe dọa, hành hung nhà báo diễn ra gần đây được báo chí đăng tải công khai. Còn rất nhiều vụ đe dọa, cản trở nhà báo tác nghiệp chưa được kịp thời phát hiện, xử lý, nhiều nhà báo và gia đình vẫn từng ngày, từng giờ sống, làm việc trong sự lo lắng, thấp thỏm.
Trung tâm Nghiên cứu truyền thông và phát triển (RED) đã khảo sát về tình hình các nhà báo bị cản trở tác nghiệp vào tháng 5/2016. Kết quả cho thấy, môi trường tác nghiệp của nhà báo đang ngày càng trở nên phức tạp hơn, mức độ gia tăng rủi ro cao hơn. 96% số nhà báo được hỏi đã trả lời từng bị cản trở tác nghiệp cao hơn nhiều so với mức 88% trong khảo sát năm 2011; trong đó 35% từng bị cản trở nhiều hơn 5 lần...
Nỗ lực bảo vệ nhà báo an toàn tác nghiệp
Để bảo vệ quyền tác nghiệp của các nhà báo, đồng thời cảnh báo, răn đe các đối tượng cản trở hoặc có ý đồ cản trở tác nghiệp báo chí, hệ thống chế tài được Nhà nước xây dựng khá hoàn chỉnh với nhiều biện pháp hình sự, dân sự, hành chính.
Đặc biệt, hệ thống chế tài hành chính chuyên ngành ngày càng hoàn thiện qua các lần xây dựng nghị định, từ Nghị định số 31/2001/NĐ-CP, Nghị định số 56/2016/NĐ-CP, Nghị định số 02/2011/NĐ-CP đến Nghị định 159/2013/NĐ-CP.
Để hỗ trợ các nhà báo, năm 2016 Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tổ chức dự án “Nâng cao năng lực bảo vệ nhà báo và chấm dứt miễn trừ trách nhiệm đối với hành vi cản trở tác nghiệp báo chí.”
Trong tháng 8/2016 sẽ có 2 khóa tập huấn chủ đề “Bảo vệ an toàn nhà báo” diễn ra tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm nâng cao nhận thức cho phóng viên, nhà báo về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ nhà báo; nâng cao năng lực tác nghiệp báo chí an toàn; nâng cao năng lực truyền thông về các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ an toàn cho nhà báo, góp phần cùng các đơn vị chức năng xử lý thích đáng những đối tượng vi phạm pháp luật.
Khóa tập huấn tại Hà Nội có sự tham gia tích cực của phóng viên nhiều cơ quan báo chí, đại diện một số bộ, ngành, đơn vị liên quan. Khóa tập huấn thứ 2 dự kiến diễn ra trong 2 ngày 25-26/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước tình trạng đe dọa, tấn công nhà báo có xu hướng gia tăng, Trung tâm Nghiên cứu truyền thông và phát triển (RED) đã triển khai Chương trình bảo vệ tác nghiệp báo chí giai đoạn 2010-2018 và được sự ủng hộ, tham gia của khối các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo, hội nghề nghiệp trung ương và địa phương, các đối tác phát triển cùng đông đảo bạn đọc, công luận.
Đặc biệt, từ chương trình, Mạng lưới Tư vấn và bảo vệ tác nghiệp ra đời năm 2014 với sự hỗ trợ của UNESCO và Cơ quan Phát triển Canada, thực hiện nhiệm vụ tư vấn hỗ trợ các bên liên quan thực thi các quy định pháp luật hiện hành bảo vệ tác nghiệp báo chí, thúc đẩy thực thi triệt để Điều 7 Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Hiện mạng lưới đã hoạt động tại hơn 30 tỉnh, thành phố (mỗi tỉnh, thành phố có một đại diện). Các nhà báo, phóng viên nếu gặp cản trở hoặc bị đe dọa, hành hung khi tác nghiệp, có thể liên hệ trực tiếp mới mạng lưới theo địa chỉ http://baovetacnghiep.red.org.vn; email baovetacnghiep@red.org.vn hoặc điều phối viên thường trực là nhà báo Thuận Hải...
Nhờ sự vào cuộc của các ngành chức năng, thời gian gần đây, tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết các trường hợp cản trở tác nghiệp báo chí đã tăng. Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy: Năm 2010 mới chỉ có 9 vụ với tổng số 14 nhà báo, phóng viên bị cản trở tác nghiệp được đưa ra xét xử thì năm 2014 tăng lên 38 vụ...
Vẫn còn những hạn chế
Việc bảo vệ an toàn cho nhà báo tác nghiệp đã, đang nhận được sự quan tâm từ các cơ quan chức năng, đơn vị, tổ chức; song thực tế hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều chuyên gia, nhà báo cho rằng, hiện nay phóng viên đặc biệt là phóng viên trẻ đang thiếu hụt các kỹ năng, kiến thức nền tảng để có thể đảm bảo tác nghiệp an toàn; chất lượng đào tạo phóng viên từ các trường báo chí chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế về chuyên môn nghề nghiệp.
Các tòa soạn báo, đặc biệt là tòa soạn quy mô nhỏ thường chưa đủ nguồn lực dành cho việc đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho phóng viên. Kết quả là phóng viên trẻ chưa đủ kỹ năng, năng lực cần thiết để tác nghiệp nên thường rơi vào “bẫy kép” - tác nghiệp dưới chuẩn và gia tăng nguy cơ bị cản trở, tấn công.
Hơn nữa, dù có nhiều cơ chế xử lý hành vi cản trở tác nghiệp báo chí song hiệu quả xử lý thấp. Cơ chế xử lý hành chính ít được sử dụng, trong nhiều năm lực lượng thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông chỉ xử lý một vài vụ việc liên quan, trong khi các vụ vi phạm không phải là ít, vẫn còn nhiều vụ việc không được phát hiện, xử lý. Điều đó làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước với hoạt động báo chí, ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, nhiệt huyết của phóng viên, nhà báo khi tham gia hoạt động báo chí.
Ông Nguyễn Văn Hiểu, Trưởng phòng quản lý báo chí Trung ương, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) chỉ ra một thực tế khi vụ việc cản trở xảy ra, nhà báo, phóng viên, cơ quan báo chí thông thường sẽ phản ánh đến cơ quan công an, chưa phản ánh đến cơ quan thanh tra chuyên ngành.
Khi cơ quan công an thụ lý vụ việc, họ sẽ áp dụng tội cố ý gây thương tích theo điều 104 hoặc tội gây rối trật tự công cộng theo điều 245 Bộ luật Hình sự với đối tượng cản trở...
Trưởng phòng Thanh tra Báo chí Xuất bản (Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông) Ngô Huy Toàn cho rằng, nhiều hành vi cản trở tác nghiệp báo chí, đặc biệt là “cản trở mềm” đã bị bỏ qua do chính người bị cản trở không biết mình bị cản trở.
Nhiều nhà báo, nhà quản lý lĩnh vực báo chí cho rằng để việc tác nghiệp được an toàn, hiệu quả, trước hết các nhà báo phải biết tự bảo vệ mình. Các nhà báo nên ghi âm, chụp ảnh, quay phim các hành vi vi phạm làm bằng chứng gửi đến các cơ quan chức năng như thanh tra thông tin và truyền thông các cấp, Cục Báo chí, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), Công an, Ủy ban Nhân dân các cấp và đề nghị xử lý theo Điều 7 Nghị định 159/2013/NĐ-CP.
Với những vụ việc có tính chất nguy hiểm, khi tác nghiệp nên đi từ 2 người trở lên, trước đó cần có kế hoạch, phương án tác nghiệp cụ thể; dự báo các tình huống có thể xảy ra; nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía. Bên cạnh việc nâng cao hiểu biết pháp luật, trau dồi kinh nghiệm khi tác nghiệp, phóng viên, nhà báo cần khách quan, thận trọng, giữ vững đạo đức người làm báo…
Tổng Thư ký Tòa soạn báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Đức Hiển, người từng thành công trong nhiều phóng sự điều tra "đình đám" của làng báo chia sẻ để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi tác nghiệp, các nhà báo nên chú ý không tác động vào sự vật, hiện tượng khiến nó thay đổi bản chất, không thúc đẩy sự việc diễn ra hay khiến sự việc diễn ra không bình thường; không thực hiện hành vi có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, danh dự và tình trạng pháp lý của bản thân hay tờ báo…
Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp tốt giữa tòa soạn nơi nhà báo công tác với cơ quan chức năng để có phương án can thiệp kịp thời, hiệu quả khi nhà báo gặp nguy hiểm./.