Năm 2023, thành phố Cần Thơ xác định là năm tăng tốc thực hiện các dự án đầu tư công trọng điểm trên địa bàn nhằm triển khai Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 45 của Quốc hội và Nghị quyết 98 của Chính phủ.
Do cùng lúc triển khai nhiều dự án trọng điểm trong năm 2023 và những năm tiếp theo để tạo đà phát triển cho thành phố đã dẫn đến tình trạng thiếu vốn để phân bổ cho các dự án. Nhằm khắc phục tình trạng trên, thành phố Cần Thơ đã tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu vốn trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường, Ủy ban Nhân dân thành phố đã giao cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố tăng cường rà soát, kiểm tra đề xuất bố trí vốn phù hợp với tiến độ thực hiện của từng dự án. Chủ động rà soát, cắt giảm, điều chuyển vốn đối với các dự án triển khai chậm, kịp thời bổ sung vốn cho các dự án có khối lượng hoàn thành cao, đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn được giao qua từng năm…
Theo ông Trần Phú Lộc Thành, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ, để bảo đảm cân đối nguồn vốn đầu tư công trung hạn trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố sẽ phối hợp với các chủ đầu tư để rà soát, xác định nhu cầu vốn thực tế của các dự án đang thực hiện, sắp hoàn thành để xác định cụ thể số vốn còn lại có thể để tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố điều chuyển cho các công trình dự án, cũng như nhu cầu phát sinh do trượt giá, tăng chi phí giải phóng mặt bằng.
[ADB đồng ý cung cấp nguồn vốn vay cho các dự án quan trọng tại Cần Thơ]
Mặt khác, thành phố sẽ cân đối, đề xuất điều chuyển vốn đối với các dự án không còn nhu cầu sử dụng, đề xuất giãn, hoãn tiến độ các dự án chưa thật sự cần thiết để dồn nguồn vốn tập trung cho các dự án trọng điểm đang thực hiện.
Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ phối hợp với các sở ngành có liên quan rà soát, tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố thực hiện các giải pháp nhằm tăng thu ngân sách, bổ sung nguồn lực đầu tư cho thành phố, tiếp tục bố trí vốn để bổ sung cho các dự án đang triển khai và hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, các dự án đầu tư khu tái định cư phục vụ nhu cầu đầu tư các dự án trọng điểm của thành phố, các dự án đã được Ủy ban Nhân dân thành phố thông qua Ban Thường vụ Thành ủy và Hội đồng Nhân dân thành phố. Trong số đó, đặc biệt quan tâm khai thác các nguồn thu từ thuế, khai thác quỹ nhà đất, thu tiền sử dụng đất và huy động các nguồn hợp pháp khác...
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ, tính đến cuối tháng 3/2023, tổng số vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Nhân dân thành phố giao là trên 34.166,8 tỷ đồng bao gồm vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là trên 23.332,7 tỷ đồng, vốn huy động khác ngoài cân đối ngân sách địa phương (tiền khai thác quỹ đất, kết dư ngân sách, tăng thu ngân sách...) là 2.000 tỷ đồng, nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 là 120 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương là hơn 8.714 tỷ đồng.
Tổng kế hoạch vốn trung hạn đã bố trí chi tiết cho các công trình, dự án trên địa bàn tới thời điểm hiện tại là trên 34.080,5 tỷ đồng. Đối với các nguồn vốn ngân sách Trung ương đã được bố trí hết cho các công trình dự án để các chủ đầu tư thực hiện. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 còn lại chưa phân bổ chi tiết từ nguồn ngân sách địa phương là trên 86,3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, do có phát sinh các công trình, dự án nhằm mục tiêu phát triển thành phố và thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao như tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, các dự án nhằm mục tiêu xây dựng khu Công nghiệp Vĩnh Thạnh, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố với tổng mức vốn phải bố trí khoảng 2.071 tỷ đồng, đã phần nào ảnh hướng đến khả năng cân đối vốn đối với các dự án đã được Ủy ban Nhân dân thành phố dự kiến trước đây.
Cụ thể, còn đến 27 dự án đang triển khai thủ tục lập đề xuất chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến là 4.466,463 tỷ đồng và khả năng giải ngân vốn trung hạn khoảng 1.350,5 tỷ đồng, tương đương 30% tổng mức đầu tư chưa thể thực hiện phê duyệt thủ tục và triển khai.
Ngoài ra, có một số nội dung phát sinh mới như phát sinh tăng tổng mức đầu tư do có phát sinh trượt giá và tăng chi phí giải phóng mặt bằng, các dự án giao thông như đường tỉnh 918 (giai đoạn 2); xây dựng và nâng cấp mở rộng Đường tỉnh 917; đường tỉnh 921; xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 923; đường vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ có nhu cầu tăng tổng mức đầu tư với tổng nhu cầu vốn của các dự án này là khoảng 2.700 tỷ đồng.
Nhu cầu đầu tư các dự án mới như cải tạo và mở rộng 5 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2 như xây dựng cầu vượt Nút giao thông Mậu Thân-Trần Hưng Đạo-Ba Tháng Hai và nút giao thông Nguyễn Văn Linh-Ba Tháng Hai), với tổng mức đầu tư dự kiến 809 tỷ đồng.
Thành phố Cần Thơ cũng đang có kế hoạch khẩn trương xây dựng các khu tái định mới trên địa bàn thành phố để phục vụ tái định cư cho các dự án trọng điểm trên địa bàn với tổng mức đầu tư dự kiến 11.981 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 khoảng 3.590 tỷ đồng, tương đương 30% tổng mức đầu tư cũng chưa có nguồn vốn bố trí./.