Canada bị đẩy vào thế cô lập sau bước tiến của Mỹ và Mexico

Việc Mỹ và Mexico đạt được thỏa thuận NAFTA và đổi tên thành Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico đang làm dấy lên quan ngại ở Canada về nguy cơ nước này sẽ bị đẩy vào thế cô lập ngay tại chính sân nhà.
(Nguồn: Scotiabank)

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, việc Mỹ và Mexico đạt được thoả thuận về Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và đổi tên thành Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico đang làm dấy lên quan ngại ở Canada về nguy cơ nước này sẽ bị đẩy vào thế cô lập ngay tại chính sân nhà.

Trong thông báo ngày 27/8, Hội đồng Canada cho rằng đây là dấu hiệu khởi đầu cho việc ra đời một thỏa thuận vì "Nước Mỹ trước tiên."

Bằng việc đổi tên thỏa thuận đã 24 năm tuổi, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ gạt Canada ra khỏi thỏa thuận này, hoặc biến phiên bản NAFTA mới theo hướng có lợi hơn cho Mỹ và Mexico.

[Canada tuyên bố sớm tham gia trở lại các cuộc đàm phán NAFTA]

Chủ tịch danh dự của Hội đồng Canada Maude Barlow nhận định: “Trong bối cảnh đó, Chính phủ Canada không được mắc bẫy chiến thuật này và phải bảo vệ lợi ích của người dân.”

Theo nhà chiến dịch thương mại của Hội đồng Canada Sujata Dey, có vẻ như áp lực của Mỹ đã phát huy tác dụng với Mexico khi nước này đồng ý tư nhân hóa ngành năng lượng của mình.

Ngoài ra, Mexico cũng đã từ bỏ ý định duy trì các quy định cũ trong Chương 11 về giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư.

Bà Dey nhấn mạnh: “Điều này hoàn toàn không tốt cho một thỏa thuận công bằng” đồng thời cảnh báo Canada cũng sẽ buộc phải có những nhượng bộ tương tự trong lĩnh vực năng lượng và quản lý nguồn cung trứng sữa nếu như muốn tiếp tục tồn tại trong NAFTA.

Trong phản ứng của mình, người phát ngôn của Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland thận trọng cho biết nước này được khuyến khích trước sự lạc quan của các đối tác trong NAFTA, tuy nhiên Canada sẽ chỉ ký một thỏa thuận NAFTA mới nếu có lợi cho Canada và cho tầng lớp trung lưu của nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, thỏa thuận vừa đạt được là bước tiến quan trọng nhất trong quá trình đàm phán kéo dài một năm qua giữa Mỹ, Mexico và Canada nhằm cứu vãn NAFTA.

Tuy nhiên, thỏa thuận này mới chỉ tập trung giải quyết một trong những bất đồng lớn liên quan đến các quy định liên quan đến ngành ôtô, song chưa đề cập đến những vấn đề bất đồng khác giữa ba nước.

Canada, một bên trong thỏa thuận, đã không tham gia các cuộc đàm phán được tổ chức tại Washington trong mấy tuần gần đây do căng thẳng thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và Mexico cho biết họ hy vọng với những tiến bộ đạt được trong thỏa thuận sẽ khiến Canada sẽ nhanh chóng quay trở lại bàn đàm phán.

Việc đạt được thỏa thuận về cách sửa lại NAFTA là một chiến thắng quan trọng đối với Tổng thống Trump trong cuộc chiến tranh thương mại mà ông đã phát động với nhiều đối tác thế giới, gồm Mexico, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.

Tuy nhiên, thỏa thuận sơ bộ giữa Mỹ và Mexico vẫn chưa thể sửa lại NAFTA. Văn kiện này vẫn chưa bao gồm Canada, một bên tham gia NAFTA song không tham gia các vòng đàm phán trong những tuần gần đây tại Mỹ.

Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 27/8, Tổng thống Trump khẳng định Mỹ đã đạt một "thỏa thuận thật sự tốt" với Mexico, đồng thời cho biết các cuộc đàm phán với Canada sẽ sớm được tiến hành.

Theo ông, Mỹ có thể tiến hành một thỏa thuận riêng với Canada hoặc đưa vào cùng thỏa thuận với Mexico. Ông cảnh báo sẽ áp thuế đối với ôtô của Canada nếu không đạt một thỏa thuận với nước này.

Tổng thống Trump muốn sửa đổi NAFTA theo hướng có lợi hơn cho Mỹ với cáo buộc Mexico và Canada đã hành xử không công bằng, gây ra thâm hụt thương mại lớn cho Mỹ, đồng thời cảnh báo rằng ông không lo ngại về thời gian đàm phán có thể kéo dài trong bao lâu.

Theo các nhà phân tích, nếu những quốc gia trên không thể nhất trí về bản NAFTA phiên bản mới trước cuối tháng 8 này, hiệp định này sẽ đứng trước cuộc bỏ phiếu mới tại Quốc hội Mỹ vào khóa tiếp theo, trong đó bối cảnh và tương quan lực lượng sẽ hoàn toàn khác so với thời điểm hiện nay.

Trong khi đó, trước thềm chuyến thăm Thái Lan và Singapore, ngày 27/8, Bộ trưởng Thương mại Canada Jim Carr tuyên bố Ottawa muốn đạt được thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Bộ trưởng Jim Carr nêu rõ: "Việc mở rộng tới khu vực Đông Nam Á sẽ giúp cho các doanh nghiệp Canada tiếp cận một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới."

Một FTA với ASEAN, bao gồm các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, Brunei và Myanmar, sẽ giúp Canada tiếp cận 650 triệu người tiêu dùng.

Phát biểu của Bộ trưởng Jim Carr được đưa ra sau khi Mỹ và Mexico đạt được bước đột phá trong đàm phán song phương nhằm sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), khiến Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland phải hủy chuyến thăm châu Âu để tái tham gia đàm phán NAFTA ba bên tại Washington (Mỹ).

Chuyến đi tới Đông Nam Á của Bộ trưởng Thương mại Carr dự kiến diễn ra từ ngày 28-30/8 nhằm mục tiêu đẩy mạnh thương mại và đầu tư song phương với Thái Lan và Singapore, những nước cùng với Canada dự kiến sớm thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời thúc đẩy thương mại tự do với ASEAN.

Ngoài ra, Canada cũng hướng tới các FTA với Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay trong Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) cũng như để ngỏ khả năng xúc tiến một FTA với Trung Quốc. Nếu thành công trong đàm phán với Bắc Kinh, Ottawa sẽ là nước phương Tây đầu tiên đat được FTA với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Ngày 27/8, Mỹ và Mexico đã đạt được một thỏa thuận về NAFTA sửa đổi. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết Mỹ đã rút lại điều khoản “hoàng hôn” (tự động hết hạn sau 5 năm) đối với NAFTA và theo thỏa thuận song phương với Mexico, NAFTA mới sẽ được rà soát theo chu kỳ 6 năm.

Trong trường hợp sau các lần rà soát các bên không đạt được đồng thuận, hiệp định sẽ hết hạn trong vòng 16 năm.

Theo các nguồn tin địa phương, Mexico đã phải nhượng bộ trong việc chấp nhận loại bỏ chương 19 về giải quyết tranh chấp thương mại; chấp nhận nâng tỷ lệ nội địa khu vực ôtô từ 62,5% hiện nay lên 75% và khoảng 40% giá trị mỗi xe phải được sản xuất tại các khu vực có mức lương từ 16 USD/giờ trở lên. Tuy nhiên, Mexico đề nghị Mỹ một lộ trình 5 năm để áp dụng các quy định trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục