Cảnh báo số ca mắc lao tăng mạnh do giãn cách xã hội phòng COVID-19

Theo nghiên cứu mới công bố, nếu các nước không nhanh chóng khôi phục hoạt động xét nghiệm và điều trị cho các bệnh nhân mắc lao, tình hình được dự báo sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Số ca mắc bệnh lao có nguy cơ tăng vọt do tác động của các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội được triển khai trên toàn cầu để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Dự báo đến năm 2025, thế giới sẽ có thêm gần 1,4 triệu ca không qua khỏi do mắc căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao nhất hiện nay. Cảnh báo trên được đưa ra trong một nghiên cứu mới công bố ngày 6/5.

Các nhà nghiên cứu của tổ chức quốc tế phòng chống bệnh lao Stop TB Partnership phối hợp với các đối tác tại Đại học Imperial College London (Anh) đã phát triển các mô hình sử dụng dữ liệu về các chương trình đối phó với bệnh lao tại những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng gồm Ấn Độ, Kenya và Ukraine.

[Giám đốc Bệnh viện Phổi TW: Vắcxin lao không có khả năng chặn COVID-19]

Kết quả cho thấy nếu lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội được thực hiện trong 2 tháng và các chương trình phòng chống bệnh lao nhanh chóng được nối lại, trong 5 năm tới thế giới sẽ ghi nhận thêm 1,8 triệu ca mắc bệnh lao và 340.000 ca tử vong.

Cũng theo nghiên cứu, nếu các nước không nhanh chóng khôi phục hoạt động xét nghiệm và điều trị cho các bệnh nhân mắc lao, tình hình được dự báo sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều.

Chẳng hạn, nếu lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội kéo dài 3 tháng sau đó quá trình khôi phục hoạt động mất thêm 10 tháng, đến năm 2025, thế giới sẽ ghi nhận thêm 6 triệu ca mắc lao và 1,4 triệu bệnh nhân lao tử vong.

Lao là bệnh truyền nhiễm thường ảnh hưởng đến phổi của bệnh nhân. Dù đa số người mắc bệnh lao có thể được điều trị khỏi, song mỗi năm ước tính có tới 10 triệu người mắc bệnh này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh lao đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1,5 triệu người, trong đó có hơn 200.000 trẻ em, trong năm 2018. Để đối phó với bệnh lao, ngành y tế thế giới trong những thập niên gần đây tập trung chủ yếu vào chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị cho càng nhiều bệnh nhân càng tốt.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu trên cho rằng các biện pháp phong tỏa cũng như nhiều biện pháp hạn chế để phòng chống COVID-19 đang ảnh hưởng đến các hệ thống kiểm soát bệnh lao.

Do các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội, các bệnh nhân khó tiếp cận các phương pháp điều trị và các nhân viên y tế khó có thể làm xét nghiệm cho những nhóm người dễ bị tổn thương.

Ông Nimalan Arinaminpathy, giáo sư trợ giảng tại Đại học Imperial College London cho biết mô hình nghiên cứu trên cho thấy thế giới sẽ mất một vài năm để đẩy lùi bệnh lao trở lại như mức trước thời COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục