"Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà sao không bị phát hiện?"

Nói về công tác quản lý bảo vệ rừng, Thủ tướng đặt vấn đề và chỉ đạo những địa phương để xảy ra phá rừng phải xử lý cơ quan trực tiếp làm nhiệm vụ, nhất là lực lượng kiểm lâm khi phát hiện sai phạm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới”. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trước những hệ lụy của tình trạng phá rừng tự nhiên, gây thiệt hại lớn đến nguồn sinh thủy, tài nguyên của đất nước, là một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng do lũ lụt, thiên tai, sáng 14/10, một Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và đại diện các cơ quan chuyên biệt về quản lý, phát triển và bảo vệ rừng.

Đáng chú ý, tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 3 phương hướng lớn làm định hướng cho công tác bảo vệ, phát triển rừng trong thời gian tới.

Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng.

Tình trạng phá rừng tự nhiên trái pháp luật diễn ra phức tạp

Theo kết quả tổng điều tra, kiểm kê, công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển ​Nông thôn, tổng diện tích có rừng 14.377.682 ha, tăng 315.826 ha so với năm 2015. Tuy nhiên, khu vực Tây Nguyên diện tích rừng tiếp tục giảm, với diện tích rừng hiện có 2.558.646 ha, giảm 3.170 ha so với năm 2015.

Tổng hợp báo cáo các địa phương, giai đoạn 2012-2017, diện tích rừng thiệt hại do phá rừng trái pháp luật là 4.218 ha, chiếm 11% tổng diện tích rừng bị mất do cả hành vi vi phạm pháp luật và chuyển mục đích sử dụng rừng.

Trong đó, 9 tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện 1.697 vụ phá rừng trái pháp luật; riêng khu vực Tây Nguyên phát hiện 757 vụ,tăng 88 vụ (13%), diện tích rừng bị thiệt hại 418 ha, tăng 145 ha (53%) so với cùng kỳ 2016.

Đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định, tình trạng phá rừng tự nhiên trái pháp luật tại một số địa phương còn diễn ra phức tạp, nhiều vụ phá rừng quy mô lớn diễn ra trong thời gian dài nhưng chậm phát hiện, xử lý.

Mục đích phá rừng tự nhiên nhằm chuyển từ sở hữu rừng Nhà nước thành sở hữu tư nhân; canh tác nông nghiệp, trồng cây công nghiệp; khai thác gỗ có giá trị thương mại cao tại một số khu rừng tự nhiên còn gỗ quý.

Địa bàn rừng bị phá trái pháp luật tập trung ở diện tích giao cho các Ban Quản lý rừng phòng hộ, Công ty Lâm nghiệp, nhất là diện tích đang trong quá trình sắp xếp chuyển giao về địa phương quản lý; diện tích rừng do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.

Trọng điểm phá rừng trong thời gian qua tập trung ở khu vực Tây Nguyên với nhiều điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

Trong đó, tỉnh Đắk Nông diện tích bị thiệt hại do phá rừng lớn nhất trong 9 tháng đầu năm 2017 với 225 ha, tăng 99 ha so cùng kỳ năm 2016.

Nguyên nhân được chỉ ra của tình hình phá rừng trái pháp luật là do chủ rừng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời, báo cáo diện tích rừng bị thiệt hại không trung thực, không nghiêm túc thực hiện việc khắc phục hậu quả trồng lại rừng đối với diện tích rừng bị phá, để xâm canh, lấn chiếm đất kéo dài tạo thành hệ lụy xấu, khó xử lý.

Chính quyền địa phương cơ sở không thực hiện hết trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, vai trò chỉ đạo, điều hành còn mờ nhạt, thiếu tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Một bộ phận cán bộ công chức các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Kiểm lâm địa bàn năng lực, nghiệp vụ yếu,thiếu tinh thần trách nhiệm, không kiểm tra, phát hiện, tham mưu cho chính quyền xử lý kịp thời, thậm chí còn biểu hiện làm ngơ, tiếp tay cho hành vi phá rừng trái pháp luật.

[Yêu cầu kiểm điểm đối với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông]

Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà sao không bị phát hiện?

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là đối với khu vực Tây Nguyên, với nỗ lực của các cấp, các ngành, độ che phủ rừng của Việt Nam đã được cải thiện, năm sau cao hơn năm trước.

Khẳng định lại một lần nữa vị trí của rừng đối với nhiệm vụ đảm bảo kinh tế, quốc phòng, an ninh, môi trường, sinh thái như câu nói “rừng là vàng” của Bác Hồ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Bảo vệ, phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Thủ tướng nhìn nhận, trong khó khăn chung của đất nước, của từng địa phương, công tác quản lý bảo vệ rừng đã có nhiều chuyển biến rõ nét với sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội, nhất là chủ trương xã hội hóa về rừng, nâng cao sinh kế thu nhập cho người làm rừng và lĩnh vực này cũng đã trở thành thế mạnh để một số địa phương “làm giàu từ rừng.” 

Thủ tướng biểu dương Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các ngành, địa phương trong thành tích về bảo vệ, phát triển rừng, mở rộng diện tích rừng, độ che phủ rừng với các chỉ số tích cực như giá trị lâm nghiệp bình quân tăng 6,75%; sản lượng gỗ rừng trồng tăng hơn 3,3 lần, xuất khẩu 7,3 tỷ USD.

Một thân cây vừa mới bị cưa xẻ tại rừng đặc dụng Mường Phăng. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Công tác ngăn ngừa, đấu tranh với hành vi phá rừng được quan tâm hơn trong phạm vi cả nước. Việc dừng khai thác rừng tự nhiên được các địa phương nghiêm túc thực hiện, có tác dụng tích cực trong việc tăng giá gỗ rừng trồng, thay thế dần gỗ tự nhiên.

Phân tích những tồn tại trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, Thủ tướng lo lắng trước tình trạng diện tích rừng Tây Nguyên tiếp tục giảm do nạn phá rừng trái pháp luật chậm được ngăn chặn. Còn tình trạng 1 số địa phương chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn không theo quy định.

“Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà sao không bị phát hiện?,” Thủ tướng đặt vấn đề và chỉ đạo những địa phương để xảy ra phá rừng phải xử lý cơ quan trực tiếp làm nhiệm vụ, nhất là lực lượng kiểm lâm khi phát hiện sai phạm.

Thủ tướng đề nghị xác định trách nhiệm cụ thể của cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương, trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, bảo vệ rừng để “lập lại kỷ cương, kỷ luật trong bảo vệ rừng” thông qua các biện pháp, chế tài đủ mạnh.

Về phương hướng thời gian tới, nhấn mạnh đến tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 về bảo vệ và phát triển rừng bền vững, coi đây là một giải pháp quan trọng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân với mục tiêu đạt độ bao phủ, phát triển rừng đạt 42% đến năm 2020, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành bám sát chỉ tiêu này để thực hiện.

Định hướng 3 chủ trương lớn đối với nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm đóng cửa rừng, không thai thác gỗ rừng tự nhiên, coi đây là hành động nhất quán của các cấp, các ngành.

Kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, xây dựng thủy điện nhỏ kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện.

Cùng với đó là không cải tạo rừng nghèo kiệt khi chưa đánh giá có cơ sở khoa học, không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển, không chuyển rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ để sản xuất.

Về nhiệm vụ của các địa phương, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật và công khai kết quả để toàn xã hội giám sát.

Đặc biệt là kiểm điểm xử lý nghiêm chủ rừng, bảo vệ rừng; ngăn chặn, ngăn ngừa hành vi phá rừng, các trường hợp thiếu trách nhiệm, không phát hiện nhanh, kịp thời các vụ việc vi phạm và kiên quyết loại khỏi cơ quan các phần tử thoái hóa biến chất trong công tác bảo vệ rừng.

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng không đúng quy định, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc.” 

Thủ tướng cũng chỉ đạo giải quyết tốt tình trạng di dân tự do, nhất là ở khu vực Tây nguyên; tổ chức tốt chính sách chi trả môi trường rừng; khẩn trương rà soát, giao, cho thuê diện tích rừng lâm nghiệp theo tinh thần “rừng phải có chủ, có người chịu trách nhiệm.”

 

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với các dự án kinh tế - xã hội không chấp hành nghĩa vụ trồng rừng thay thế và chi trả nghĩ vụ môi trường rừng, nhất là ở Tây Nguyên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục