Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo nguy cơ tái bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trong mùa Hè này.
Theo báo cáo của CDC Mỹ, các trường hợp mắc đậu mùa khỉ tại nước này đã giảm sau khi lên tới đỉnh điểm vào tháng 8/2022, tuy nhiên sự lây lan của bệnh vẫn chưa kết thúc.
Cơ quan này cho rằng bệnh đậu mùa khỉ có thể tái bùng phát vào cuối mùa Xuân và mùa Hè tới khi người dân tụ tập nhân dịp các lễ hội và các sự kiện khác.
Cảnh báo trên được đưa ra sau khi một loạt trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận ở thành phố Chicago. Theo CDC Mỹ, từ ngày 17/4-5/5, cơ quan y tế Chicago đã ghi nhận 12 ca bệnh và 1 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
CDC Mỹ tiếp tục nhận được báo cáo về các trường hợp lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cộng đồng hiện nay ở Mỹ và trên thế giới, theo đó khuyến khích những người có nguy cơ mắc bệnh đi tiêm phòng. Tính đến ngày 10/5, Mỹ đã ghi nhận 30.395 ca mắc bệnh.
Đậu mùa khỉ vốn là bệnh lưu hành tại khu vực châu Phi, song trong năm 2022, số ca mắc tại khu vực châu Âu tăng đột biến, khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) vào tháng 7 cùng năm.
Đến ngày 11/5 vừa qua, WHO tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ không còn là PHEIC nữa.
[Mỹ phê duyệt phương pháp xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ của hãng Roche]
Phát biểu tại họp báo trực tuyến, Tổng Giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus cho biết sau khi số ca nhiễm giảm mạnh, ông đã chấp nhận đề nghị của Ủy ban khẩn cấp WHO về việc dỡ bỏ mức cảnh báo cao nhất đối với bệnh đậu mùa khỉ.
Trong cuộc họp của ủy ban này, ông Ghebreyesus cho biết số ca đậu mùa khỉ được báo cáo trên toàn cầu trong 3 tháng qua ít hơn tới 90% so với số ca của 3 tháng trước đó.
Đậu mùa khỉ có thể lây nhiễm thông qua tiếp xúc gần như sờ hay chạm vào dịch tiết từ người mang bệnh.
Triệu chứng bệnh có thể dễ dàng nhận biết như sốt cao, đau cơ, hạch bạch huyết, phát ban... Thông thường bệnh này có thể kéo dài 2-4 tuần và triệu chứng bệnh được phát hiện sau khi cơ thể nhiễm virus từ 5 đến 21 ngày./.