Châu Phi kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện đầy đủ cam kết khí hậu

Tổng thống Senegal khẳng định các nước châu Phi luôn ủng hộ quá trình chuyển đổi xanh công bằng, cho dù mức "đóng góp" của châu lục trong tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu rất thấp.
Trẻ em chờ lấy nước tại vòi nước công cộng ở Beledweyne (Somalia). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 7/11, Tổng thống Senegal đồng thời là Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), ông Macky Sall, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện đầy đủ tất cả cam kết chống biến đổi khí hậu, cho rằng cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính 100 tỷ USD mỗi năm là không đủ và cần nâng lên 200 tỷ USD.

Phát biểu tại Hội nghị các nhà lãnh đạo các nước trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), đang diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập, ông Sall nhấn mạnh COP27 là cơ hội mang lại sự thay đổi lịch sử.

Ông khẳng định các nước châu Phi luôn ủng hộ quá trình chuyển đổi xanh công bằng, cho dù mức "đóng góp" của châu lục trong tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu rất thấp.

Chủ tịch AU nêu rõ châu Phi mong muốn phối hợp và hợp tác với tất cả đối tác để đảm bảo COP27 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực giảm tác động của biến đổi khí hậu.

[Italy tuân thủ các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu]

Theo ông, châu Phi đã đưa ra cam kết hành động vì khí hậu theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 và cam kết tạo dựng “Bức tường Xanh khổng lồ” - một dự án đang được thực hiện tại 11 quốc gia thuộc các khu vực Sahel và Sahara.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), châu Phi là khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu. Lượng phát thải ở châu Phi chỉ chiếm khoảng 4% tổng lượng phát thải toàn cầu, nhưng đây lại là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Hạn hán trong 50 năm qua ở miền Nam và vùng Sừng châu Phi ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu đã cướp đi sinh mạng của hơn 500.000 người, với thiệt hại ước lên tới 70 tỷ USD.

Hơn 1.000 trận lũ lụt trong khoảng thời gian này khiến hơn 20.000 người thiệt mạng. Khoảng 172,3 triệu người châu Phi bị ảnh hưởng do hạn hán và 43 triệu người bị ảnh hưởng lũ lụt trong giai đoạn 2010-2022.

Thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra tại châu Phi sẽ tiếp tục gia tăng khi Trái Đất nóng lên, đe dọa nguồn cung lương thực, kinh tế và y tế của khu vực. Các quốc đảo và quốc gia ven biển của châu Phi, với 116 triệu người sinh sống, sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng nước biển dâng.

Hội nghị lãnh đạo các nước trong khuôn khổ COP27 diễn ra trong hai ngày 7 và 8/11, với sự tham dự của khoảng 110 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ trên thế giới.

Tại cuộc họp này, các nhà lãnh đạo sẽ đưa ra tuyên bố quốc gia về các vấn đề khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục