Chi phí quân sự toàn cầu đã tăng thêm 0,4% trong năm 2016

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm công bố ngày 24/4 cho thấy tổng chi phí quân sự toàn cầu năm 2016 là 1.686 tỷ USD, tăng 0,4% so với năm 2015.
Tàu chiến của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 24/4 cho thấy tổng chi phí quân sự toàn cầu năm 2016 là 1.686 tỷ USD, tăng 0,4% so với năm 2015.

Mỹ vẫn là nước có chi phí quân sự hàng năm lớn nhất thế giới với tổng chi phí trong năm 2016 lên tới 611 tỷ USD, tăng 1,7% so với năm trước đó.  Tiếp đến là Trung Quốc với khoản chi lên tới 215 tỷ USD, tăng hơn 5%. Nga đứng thứ ba khi chi tiêu trên 69 tỷ USD, tăng gần 6%. 

Riêng Saudi Arabia, vốn đứng thứ ba trong bảng xếp hạng năm 2015, đã tụt xuống vị trí thứ tư trong năm ngoái với tỷ lệ cắt giảm tới 30%, còn gần 64 tỷ USD. Chi tiêu quân sự của Ấn Độ đã tăng khoảng 8,5%, lên gần 56 tỷ USD trong năm 2016, đưa nước này trở thành nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ năm thế giới.

Theo đánh giá của SIPRI, việc Mỹ tăng chi phí quân sự trong năm 2016 là dấu hiệu phản ánh quốc gia này chấm dứt thời kỳ giảm chi phí quân sự do kinh tế suy thoái cũng như việc Washington rút quân khỏi chiến trường Afghanistan và Iraq. Tuy nhiên, so với thời kỳ đỉnh cao năm 2010, mức chi phí quân sự hiện nay của Mỹ thấp hơn 20%.

Chi phí quân sự năm 2017 của Mỹ hiện vẫn còn là một ẩn số sau khi Tổng thống Donald Trump tiếp quản việc điều hành đất nước từ người tiền nhiệm Barack Obama.


[Thế giới dành 2,3% tổng GDP toàn cầu cho chạy đua vũ trang]

Trong khi đó, báo cáo của SIPRI ghi nhận chi phí quân sự ở khu vực các nước Tây Âu đã tăng hai năm liên tiếp và chỉ tính riêng năm 2016 đã tăng 2,6%. Trong đó, Italy là quốc gia Tây Âu có mức tăng chi phí quân sự cao nhất, tăng 11% giữa năm 2015 và 2016. Khu vực Trung Âu ghi nhận mức tăng 2,4% trong năm 2016.

Báo cáo của SIPRI cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa các vùng miền về chi phí quân sự. Chi phí quân sự không ngừng tăng ở châu Á, châu Đại Dương, Trung và Đông Âu cùng Bắc Phi. Trong khi đó, mức giảm được ghi nhận tại Trung Mỹ, Caribe, Trung Đông, Nam Mỹ và khu vực cận Sahara châu Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục