Chìa khóa để cải thiện tình trạng thiếu dinh dưỡng và béo phì

Những chế độ ăn nghèo nàn và đơn điệu, nhiều thực phẩm giàu tinh bột và chất xơ, nhưng thiếu đa dạng, là yếu tố chính gây nên tình trạng thiếu chất dinh dưỡng.
Trẻ em Somalia nhận lương thực cứu trợ tại Mogadishu. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Xây dựng các hệ thống thực phẩm lành mạnh và bền vững là chìa khóa để giải quyết nạn đói và tất cả các dạng thiếu dinh dưỡng (thiếu ăn, thiếu vi chất dinh dưỡng, béo phì) trên khắp thế giới.

Lượng thực phẩm sản xuất ra đã tăng gấp ba lần kể từ năm 1945, trong khi số lương thực sẵn có trung bình cho mỗi người tăng 40%.

Tuy nhiên, các hệ thống thực phẩm hiện nay không đảm bảo được bữa ăn lành mạnh cho tất cả mọi người và đây là vấn đề cần phải giải quyết. Cách tiếp cận hiệu quả nhất và bền vững nhất sẽ là định hình lại và tăng cường các hệ thống thực phẩm có thể cung cấp các loại thực phẩm lành mạnh cho mọi người.

Hệ thống thực phẩm bền vững và lành mạnh

Cộng đồng quốc tế đang đối mặt với một số thách thức liên quan đến dinh dưỡng. Hơn một nửa số dân trên 7 tỷ người trên thế giới đang bị thiếu dinh dưỡng.

Mặc dù nguồn thực phẩm dồi dào, gần 800 triệu người (hay 1/9 dân số toàn cầu) vẫn bị đói mỗi ngày. Sức khỏe của ít nhất 2 tỷ người khác không được đảm bảo vì thiếu vi chất dinh dưỡng.

Chừng 2,1 tỷ người nữa thừa cân, trong số đó 1/3 là béo phì, do tiêu thụ một lượng thức ăn nhiều hơn mức mà cơ thể cần và đứng trước nguy cơ cao bị tiểu đường, các bệnh về tim và các bệnh không lây truyền liên quan đến chế độ ăn.

Thiếu dinh dưỡng dưới mọi dạng thức là gánh nặng không dễ giải quyết cho không chỉ hệ thống y tế quốc gia mà cho cơ cấu kinh tế-xã hội của các nước. Đó là trở ngại lớn cho sự phát triển và việc khơi dậy đầy đủ tiềm năng của con người.

Nhiều quốc gia đang phát triển hiện đang đối mặt với nhiều gánh nặng từ tình trạng thiếu dinh dưỡng, với nhiều người sống trong cùng một cộng đồng, đôi khi là trong cùng một gia đình, đang bị đói thiếu, thiếu chất dinh dưỡng và các bệnh không lây truyền liên quan đến chế độ ăn.

Lượng thực phẩm được sản xuất nhiều hơn đã gây sức ép lớn hơn đến nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm đất bạc màu, gây ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước sạch, gây ra nạn xâm lấn rừng, làm suy giảm trữ lượng cá tự nhiên và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Đẩy mạnh thâm canh, kết hợp với tình trạng lãng phí thực phẩm đáng ngại, cũng khiến các vấn đề thêm trầm trọng.

Các cách tiếp cận hiện nay đối với sản xuất thực phẩm đơn giản là không bền vững cho hôm nay, chưa kể là vào năm 2050, khi sẽ phải cung cấp thực phẩm cho 9 tỷ người. May mắn là có các phương tiện để chuyển đổi hệ thống sản xuất và các kiểu tiêu thụ để có được các hệ thống thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng.

Việc tiếp cận theo hướng hệ thống thực phẩm, từ sản xuất tới chế biến, dự trữ, vận tải, tiếp thị, bán lẻ và tiêu thụ, là chìa khóa để nâng cao chế độ ăn lành mạnh và cải thiện dinh dưỡng khi những can thiệp từ xa có tác động hạn chế. Việc tạo ra các hệ thống lương thực đảm bảo và ổn định là cách bền vững, tiết kiệm chi phí và thực tế nhất để giải quyết tất cả các dạng thiếu dinh dưỡng.

Điều quan trọng là cần định hình lại các hệ thống thực phẩm để hoạt động sản xuất bền vững và để việc tiêu thụ có lợi cho sức khỏe hơn, trong khi bảo vệ và tăng khả năng nuôi sống mình của các thế hệ tương lai. Dinh dưỡng phải trở thành một trong những mục tiêu chính của các chính sách, những can thiệp và các khoản đầu tư cho hệ thống thực phẩm, đảm bảo rằng mọi người đều có những bữa ăn lành mạnh và cân bằng chất dinh dưỡng.

Những chế độ ăn nghèo nàn và đơn điệu, nhiều thực phẩm giàu tinh bột và chất xơ, nhưng thiếu đa dạng, là yếu tố chính gây nên tình trạng thiếu chất dinh dưỡng. Do các hệ thống thực phẩm đã ngày càng trở nên phức tạp và ảnh hưởng mạnh mẽ đến khả năng tiêu thụ các loại thức ăn lành mạnh của con người, hành động gắn kết và các giải pháp về hệ thống lương thực mang tính đổi mới là cần thiết để đảm bảo sự tiếp cận với các chế độ ăn lành mạnh, cân bằng và bền vững cho tất cả mọi người.

Những giải pháp trên nên bao gồm sản lượng, tính sẵn có, khả năng tiếp cận và tính hợp lý về giá cả của các loại ngũ cốc, đậu, rau, hoa quả và các thực phẩm từ động vật như cá, thịt, trứng và các sản phẩm bơ sữa. Các chế độ ăn lành mạnh chứa đủ các chất dinh dưỡng quan trọng như tinh bột, đường, mỡ và đạm, chất xơ và các vi chất thiết yếu (vitamin và khoáng chất) phù hợp với các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.

Mức tiêu thụ thịt, sữa và trứng đang tăng nhanh chóng tại các quốc gia đang phát triển, có nghĩa bữa ăn của người dân đủ chất dinh dưỡng hơn so với trước đây. Thêm vào đó, ngành chăn nuôi đang tạo việc làm và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và nâng cao thu nhập ở nông thôn.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi phải được quản lý một cách bền vững vì ngành này cũng là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, sức ép lên môi trường và các vấn đề khác về sức khỏe do sự gia tăng mức tiêu thụ thịt.

Ở mỗi giai đoạn, các nguồn tài nguyên cần được sử dụng một cách hiệu quả hơn, với ít tác động tiêu cực hơn. Việc sản xuất nhiều hơn và hiệu quả hơn thực phẩm từ nước, đất và sức lao động sẽ gìn giữ được nguồn tài nguyên cho tương lai và làm cho các hệ thống thực phẩm trở nên bền vững hơn.

Cam kết mạnh hơn, quản lý hiệu quả hơn

Tất cả những lĩnh vực và thành phần chủ chốt trong hệ thống thực phẩm phải góp sức làm cho các hệ thống thực phẩm được sử dụng tốt hơn nhằm cải thiện dinh dưỡng. Điều này đòi hỏi việc nâng cao chất lượng quản lý, một tầm nhìn chung và trên hết là cam kết chính trị và và sự lãnh đạo thống nhất.

Trên toàn cầu, khoảng 1/3 lượng thực phẩm được sản xuất phục vụ con người bị thất thoát hoặc lãng phí. Ở các nước đang phát triển, phần lớn số thất thoát là ở các trang trại và theo chuỗi cung ứng trước khi đến tay người tiêu dùng. Việc giảm những thất thoát như vậy, bằng việc cải thiện khâu thu hoạch, dự trự, chế biến và phân phối, có thể tăng khả năng cung ứng thực phẩm, giảm giá và giảm sức ép lên đất và các nguồn tài nguyên khan hiếm khác.

Ở các nước phát triển, một lượng lớn thực phẩm bị lãng phí là sau khi đã đến tay người tiêu dùng, vì vậy, trọng tâm lớn hơn phải đạt vào việc giáo dục người tiêu dùng và thông tin đến họ.

Điều cần thiết là phải tạo điều kiện để người tiêu dùng có thể dễ dàng chọn lựa thực phẩm tốt cho sức khỏe hơn. Việc khuyến khích lối sống lành mạnh hơn thông qua giáo dục, cung cấp thông tin và đưa ra các ví dụ về dinh dưỡng cần phải hiệu quả hơn. Những thay đổi trong thực tế có thể giảm lãng phí thực phẩm và góp phần vào việc sử dụng tài nguyên bền vững.

Việc đầu tư cải thiện dinh dưỡng cũng mang lại những lợi ích kinh tế cao. Nếu đầu tư 1,2 tỷ USD mỗi năm để giảm tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe hơn, giảm tỷ lệ tử vong và suy dinh dưỡng ở trẻ em cũng như tăng thu nhập trong tương lai sẽ làm tăng nguồn lực kinh tế cho xã hội hàng năm khoảng 15 tỷ USD, tức là lợi ích mang lại gấp gần 13 lần so với số tiền đầu tư.

Hội nghị quốc tế lần thứ hai về dinh dưỡng diễn ra tại Rome vào cuối năm 2014 đã đưa ra những cam kết về nâng cao dinh dưỡng cho mọi người thông qua các chính sách thỏa đáng hơn và sự hợp tác quốc tế. Sự tham gia rộng rãi của những người quan tâm trong nỗ lực chung và bền vững trong thập niên tới có thể quyết định sự thành công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục