Chiến dịch 'đả hổ' của Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ

Thời báo Đại Kỷ nguyên (Hong Kong) mới đây đăng bài viết cho biết chiến dịch “đả hổ” chống tham nhũng của Trung Quốc đang tiếp tục được duy trì và ngày càng mạnh mẽ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: deccanchronicle.com)

Thời báo Đại Kỷ nguyên (Hong Kong) mới đây đăng bài viết cho biết chiến dịch “đả hổ” của Trung Quốc đang tiếp tục duy trì và ngày càng mạnh mẽ.

Bài viết phân tích trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm châu Âu, chiến dịch “đả hổ” ở Trung Quốc đã được nâng cấp.

Ngày 26/3, cựu Phó trưởng ban Tuyên truyền Trung Quốc Lỗ Vĩ có biệt hiệu là “Sa hoàng Internet” đã bị kết án 14 năm tù.

Ngày 27/4, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Mạnh Hoành Vĩ biến mất hơn nửa năm nay đã bị xét xử “song khai” (bị khai trừ Đảng và tước bỏ mọi chức vụ). Bộ Công an ngay lập tức tuyên bố họ sẽ "quét sạch tàn dư độc hại của Mạnh Hồng Vĩ" và xếp ông này cùng phe với Chu Vĩnh Khang.

Mạnh Hoành Vĩ, 65 tuổi, đã có thời gian dài làm việc tại Bộ Công an. Ông này từng là thuộc cấp của cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang thuộc phe cánh Giang Trạch Dân đã bị “ngã ngựa.”

Kể từ tháng 11/2016, ông này đã từng là Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) và cũng là chủ tịch đầu tiên mang quốc tịch Trung Quốc. Mạnh Hoành Vĩ biến mất trong chuyến đi từ Pháp về Trung Quốc hồi tháng 9 năm ngoái, sau đó vợ ông - bà Grace - đã báo cảnh sát Pháp, gây xôn xao dư luận quốc tế.

Tháng 10 năm ngoái, Mạnh Hoành Vĩ đã bị Chính phủ Trung Quốc bắt giữ vì tội tham nhũng.

Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) đưa tin, ngày 24/3, đúng ngày Tập Cận Bình thăm Pháp, vợ Mạnh Hoành Vĩ đã cầu cứu Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, xin ông đề cập đến vụ Mạnh Hoành Vĩ khi hội đàm với Tập Cận Bình.

[Cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc ''thắng lợi áp đảo'']

Bà Grace cho biết bà đã mất liên lạc với chồng gần 6 tháng nay. Không ngờ sau khi Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm châu Âu vào ngày 27/3 thì đúng ngày đó Mạnh Hoành Vĩ bị “song khai.”

Vì vậy, Mạnh Hoành Vĩ đã trở thành Chủ tịch Interpol đầu tiên bị bắt do phạm tội kể từ sau Chiến tranh Thế giới 2.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đã cáo buộc Mạnh Hoành Vĩ nhiều tội danh như “sử dụng quyền lực để mưu lợi cá nhân, phung phí tài sản quốc gia để thỏa mãn cuộc sống xa hoa của gia đình.”

Thông báo còn cho biết vợ Mạnh Hoành Vĩ có liên quan đến vụ án, nói rằng Mạnh Hoành Vĩ “lợi dụng sức ảnh hưởng của chức vụ để mưu cầu chức tước cho vợ,” “dung túng vợ lợi dụng chức quyền để mưu cầu tư lợi…”

Dư luận bên ngoài quan tâm liệu vợ ông này có trở thành mục tiêu theo dõi của Chính phủ Trung Quốc hay không.

Trang mạng “minghui.org” đưa tin Mạnh Hoành Vĩ giữ chức vụ quan trọng trong hệ thống công an một thời gian dài, từng cùng với phe nhóm Giang Trạch Dân lợi dụng hệ thống chính trị, pháp luật để bức hại Pháp Luân Công, được coi là một trong những người có trách nhiệm liên quan đến vụ án bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Báo chí đưa tin sau khi Mạnh Hoành Vĩ bị bắt, Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục điều tra các quan chức liên quan đứng đằng sau ông này.

Hiện tại, hai cục trưởng của Bộ Công an liên quan đến Mạnh Hoành Vĩ không rõ tung tích, một là ông Trịnh Bách Cương từng là Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an, người còn lại là Liêu Tiến Vinh từng là Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế của Bộ Công an.

Truyền thông Hong Kong dẫn nguồn tin từ Bắc Kinh đầu tháng 3/2019 cho biết Trịnh Bách Cương là thuộc cấp được Mạnh Hồng Vĩ coi trọng nhất, đã bị “song quy” do liên quan đến vụ án Mạnh Hồng Vĩ.

Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc đến nay vẫn chưa công bố thông tin.

Trịnh Bách Cương cũng được coi là người cùng phe và có mối quan hệ công việc với Chu Vĩnh Khang.

Một số phương tiện truyền thông Hong Kong đã tiết lộ rằng một vài ngày trước khi Trịnh Bách Cương thôi giữ chức Cục trưởng Cục 6, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã ban hành lệnh hạn chế xuất cảnh đối với các quan chức cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc và người thân của họ, quan chức cấp cao trong danh sách có các “con hổ lớn” thuộc phe Giang Trạch Dân.

Một số nhà phân tích cho rằng Trịnh Bách Cương được coi là người của phe Giang Trạch Dân, đã bị cách chức. Mục đích của chính phủ Trung Quốc là muốn tăng cường kiểm soát biên giới, ngăn chặn những người trong danh sách lén lút xuất cảnh khỏi đất nước bằng nhiều cách khác nhau.

Một nhân vật nữa là Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Bộ Công an Liêu Tiến Vinh, từng có thời gian dài làm việc tại Cục điều tra hình sự Bộ Công an và lên đến chức Phó Cục trưởng Cục điều tra hình sự.

Theo luật sư Cao Quang Tuấn, từng làm việc trong Bộ Công an Trung Quốc và hiện sống ở nước ngoài, tiết lộ Mạnh Hồng Vĩ xuất thân từ bộ phận điều tra hình sự Bộ Công an, từng là Cục trưởng Cục điều tra hình sự.

Mạnh Hồng Vĩ và Liêu Tiến Vinh có mối quan hệ công tác thân thiết.

Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc triển khai chiến dịch "quét sạch các thế lực tà ác" ở nhiều tỉnh thành phố Trung Quốc vào tháng 1/2018 đến nay, một số lượng lớn các quan chức trong hệ thống công an đã bị “ngã ngựa” vì liên quan đến tham nhũng.

Ngoài ra, thời gian gần đây, nhà văn người Australia gốc Hoa Dương Hằng Quân đã bị Cục An ninh Quốc gia Bắc Kinh bắt giữ.

Có nguồn tin cho biết động thái này là một trong những hành động của chính phủ Trung Quốc nhằm làm trong sạch hệ thống an ninh quốc gia.

Dương Hằng Quân từng cho biết sau khi tốt nghiệp đại học đã và làm việc tại Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh Quốc gia của Trung Quốc, sau đó di dân rồi trở thành công dân Australia.

Tăng Khánh Hồng, Chu Vĩnh Khang từ lâu đã kiểm soát hệ thống an ninh quốc gia đồng thời kéo bè kết đảng. Sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, chính phủ hiện nay đã bắt giữ nhiều quan chức cấp cao trong hệ thống chính pháp, bao gồm Chu Vĩnh Khang, Thứ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Mã Kiến và Cục trưởng Cục An ninh Quốc gia Bắc Kinh Lương Khắc...

Một ngày trước khi Mạnh Hoành Vĩ bị “song khai,” cựu Phó trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Trung Quốc, cựu Chủ nhiệm Văn phòng thông tin Internet quốc gia Lỗ Vĩ - người bị “ngã ngựa” cách đây 1 năm rưỡi - đã bị kết án 14 năm tù.

Lỗ Vĩ là quan chức cấp bộ trưởng đầu tiên bị “ngã ngựa” sau Đại hội Đảng 19 của Trung Quốc.

Trước ngày Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm châu Âu đã xảy ra sự kiện Lỗ Vĩ bị phạt 14 năm tù và Mạnh Hoành Vĩ bị “song khai.”

Nhà bình luận thời sự Thạch Tàng Sơn phân tích điều này cho thấy Trung Quốc đang phát đi tín hiệu nâng cấp chiến dịch “đả hổ.”

Tuy nhiên, Thạch Tàng Sơn cũng đồng thời nhấn mạnh đằng sau việc nâng cấp “đả hổ””của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng có liên quan đến sự bất ổn chính trị của nước này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục