Trong phiên giao dịch chiều 13/4, thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều khi các nhà đầu tư chờ đợi mùa báo cáo lợi nhuận và số liệu lạm phát tại Mỹ.
Chốt phiên này, tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,7% lên 29.751,61 điểm. Cùng đà tăng, tại Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng tăng 0,2% lên 28.497,25 điểm. Trong khi đó, tại Thượng Hải (Trung Quốc), chỉ số Shanghai Composite giảm 0,5% xuống 3.396,47 điểm.
Theo các nhà giao dịch, sau đà tăng gần đây trên thị trường chứng khoán, với chỉ số S&P 500 và Dow Jones kết thúc tuần trước ở mức cao kỷ lục, các nhà giao dịch đang “xả hơi” chờ đợi chất xúc tác tiếp theo để thúc đẩy hoạt động mua vào.
Số liệu cho thấy giá sản xuất tại Mỹ tăng cao hơn dự kiến trong tuần trước đã vẽ ra viễn cảnh khả quan cho những tháng tới khi kinh tế toàn cầu vượt qua cuộc khủng hoảng năm ngoái do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và chương trình tiêm chủng cho phép người dân trở lại cuộc sống trước đại dịch.
Hiện các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ số liệu về giá tiêu dùng trước mối lo ngại ngày tăng về khả năng giá cả tăng vọt trong năm nay khi nền kinh tế mở cửa trở lại và buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt các chính sách tiền tệ siêu lỏng, vốn đã hỗ trợ đà tăng cho giá cổ phiếu trong suốt một năm qua.
[Gần 30.000 tỷ đồng đổ vào thị trường trong khi VN-Index 'đỏ lửa']
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nhiều lần cam kết sẽ không thay đổi chính sách tiền tệ cho đến khi lạm phát tăng cao trong một thời gian và tỷ lệ thất nghiệp được kiểm soát.
Mối lo ngại trên đã đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm, một trong những thước đo chi phí đi vay trong tương lai, lên mức cao nhất trong một năm. Song, sự suôn sẻ trong quá trình bán trái phiếu chính phủ ngày 12/4 đã giúp xoa dịu một số lo ngại.
Chiến lược gia Stephen Innes của Axi nhận định với thực tế giá cổ phiếu tăng lên gần mức cao kỷ lục, các nhà đầu tư vẫn tin tưởng rằng đà tăng tốc của nền kinh tế sẽ là một luồng gió mạnh mẽ cho giá cổ phiếu trong quý này và đảm bảo tăng trưởng thu nhập.
Trong khi đó, tại Việt Nam, chốt phiên 13/4, VN - Index giảm 4,12 điểm xuống 1.248,33 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 1.027 triệu đơn vị, tương ứng hơn 23.470,4 tỷ đồng.
Toàn sàn có 113 mã tăng giá, trong khi có tới 312 mã giảm giá và 46 mã đứng ở mốc tham chiếu. Chỉ số HNX-Index giảm 3,35 điểm (1,13%) xuống còn 292,19 điểm./.